Để bọ dừa không còn ám ảnh người trồng dừa

Bọ dừa, bọ cánh cứng gây hại cho dừa là nỗi kinh hoàng của người trồng dừa. Đã có nhiều đợt bọ dừa, bọ cánh cứng gây hại khiến người trồng rất khó khăn trong cách khắc phục.

Bò dừa - nỗi ám ánh

Năm 2014, bọ dừa, bọ cánh cứng đã tàn phá trên 300.000 cây dừa ở Tam Quan, Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Hảo và Bồng Sơn thuộc huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bọ dừa, bọ cánh cứng đã từng gây thiệt hại ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang… với mức độ gây hại khác nhau.

Đặc tính sinh học và gây hại của bọ dừa là trứng được bọ đẻ từng quả rời rạc kết dính lại trong kẻ lá của đọt non chưa bung ra, trứng dính chặt vào mặt lá thành hàng dài. Trứng nở 4-5 ngày sau khi đẻ. 1 con cái có khả năng đẻ 120 trứng.

Bọ dừa thường gây hại nặng vào mùa khô hơn mùa mưa (do vào mùa khô cây thiếu nước, sinh trưởng kém hơn, nếu cây cùng lúc bị kiến vương gây hại, thiệt hại sẽ càng trầm trọng hơn), dừa non bị hại nặng hơn vườn dừa già do cây có sức chống chịu tốt hơn, vườn ít chăm sóc bị hại nặng hơn vườn chăm sóc, bón phân tốt.

Do khả năng bay hạn chế nên bọ dừa chủ yếu phát tán nhờ con người (di chuyển cây giống từ nơi này sang nơi khác) và do gió.

Khi phát hiện có bị bọ dừa, việc phòng trị khó khăn. Bởi phải phòng trị đồng loạt mới có kết quả. Ngoài việc nuôi ong ký sinh để diệt bọ dừa, trên thị trường cũng có nhiều loại thuốc để phòng trừ. Thông thường chọn thuốc có tính xông hơi và lưu dẫn, do đó nếu điều kiện thuận lợi (cây thấp) và cho phép (không gây ô nhiễm môi trường xung quanh), có thể phun các loại thuốc như Sairifos 585EC, Lancer 97DF, Netoxin 18SL lên đọt non dừa, cau kiểng… phun ướt đều kẻ lá non, phun buổi chiều tối.

- Đặt thuốc vào bẹ lá: Do việc phải leo lên cây phun thuốc rất nguy hiểm và tốn công sức lại hại thiên địch, nên biện pháp hiệu quả, ít gây ô nhiễm và tương đối đơn giản là dùng thuốc Diaphos 10G dạng túi lọc 30 g đặt vào bẹ lá non của cây dừa, cau, do tác dụng tiếp xúc, vị độc, thấm sâu và nhất là tính xông hơi nên thuốc sẽ diệt ấu trùng và cả bọ trưởng thành sống bên trong lá non.

Sử dụng thuốc sinh học dễ mà hiệu quả

Sâu phá hại lại tấn công chủ yếu ở phần ngọn như bẹ dừa, hoa dừa và cả toàn bộ lá dừa, trường hợp bị nặng thì cả cây cũng bị chết khô.

Khi bị bọ dừa tấn công, đã từ lâu nông dân được khuyến cáo sử dụng các loại thuốc hóa học vừa có tác dụng tiếp xúc vừa có tác dụng nội hấp với độ độc cao để phun xịt.

Với biện pháp này, nếu phát hiện sớm và trừ sớm vẫn có thể ngăn chặn được mức độ tác hại của bọ dừa, nhưng đã để lại hậu quả là sản phẩm dừa bị ô nhiễm và người sử dụng không có lợi cho sức khỏe và môi trường sinh thái.

Để giảm thiểu hiện tượng độc hại này, từ lâu các nhà khoa học đã nghiên cứu sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh học như dùng ong ký sinh hay bọ đuôi kìm để tấn công lên nhộng, trứng và sâu non của bọ dừa.

Biện pháp này mới dừng lại ở một số dự án. Tuy có hiệu quả tốt, nhưng tổ chức nhân nuôi thiên địch chưa được người dân chấp nhận vì cần phải có kiến thức và điều kiện mới thực hiện được.

Trong sản xuất, chưa có một đơn vị hay cá nhân nào có khả năng nhân nuôi thiên địch để sử dụng cho diện tích rộng. Vì vậy dù biết là có hiệu quả mà sản xuất vẫn phải chịu bó tay.

Gần đây Công ty CP Phân bón Bình Điền nghiên cứu thuốc sinh học để phòng trị bệnh bọ dừa. Do đây không phải là thuốc hóa học nên việc phòng trị bọ dừa không hết tức thì mà đòi hỏi sử dụng theo đúng quy trình, thời gian và đảm bảo theo cách 4 đúng như việc bón phân cho cây lúa.

Bình Điền thực nghiệm ở 3 chế phẩm thuốc sinh học của mình là: Emamectin Benzoate (Vimatox); Oxymatrine (Vimatrine); Abamectin + Petroleum (Visober 88,3EC, Komire 24,5EC).

Ba loại thuốc này được thí nghiệm trên 2 giống dừa xiêm và dừa ta, tại 3 xã thuộc 3 tỉnh có diện tích dừa nhiều ở miền Trung là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa từ năm 2015-2017.

Kết quả cho thấy, sử dụng 3 loại thuốc có nguồn gốc sinh học nói trên ở cả 3 tỉnh đều mang lại hiệu quả trừ sâu non của bọ dừa rất rõ. Nếu lấy mốc ngày thứ 21 để tính thì sau khi phun thuốc, công thức đối chứng còn 18,1 ấu trùng, còn nếu sử dụng 3 loại thuốc nói trên phun riêng lẻ thì số ấu trùng còn lại là 2,5; 2,1 và 0,7 con, tương ứng với thuốc Vimatox, Vimatrine và Visober, tỷ lệ sâu chết chiếm 88,1%; 90,0% và 97% tương ứng.

Quan sát tại các tỉnh Bình Định và Phú Yên cũng cho kết quả tương tự. Như vậy, tại cả 3 tỉnh cho thấy cả 3 loại thuốc có nguồn gốc sinh học kể trên đều có hiệu lực trừ ấu trùng của bọ dừa rất cao.

Thuốc có nguồn gốc sinh học phòng trừ bọ dừa đem lại hiệu quả cao lại an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo môi trường vì vậy hiệu quả sản xuất cao hơn.

Hoàng Huy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/de-bo-dua-khong-con-am-anh-nguoi-trong-dua-d66533.html