Đê biển nghìn tỷ có nguy cơ sạt lở

Đê biển Tây đoạn Đá Bạc - Kênh Mới có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đời sống 26.000 hộ dân ven biển Cà Mau.

 Đoạn đê Đá Bạc - Kênh Mới có chiều dài khoảng 4 km, thuộc đê biển Tây nằm trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Tháng 2/2020, tại đây xảy ra vụ sụp lún nghiêm trọng, khiến khoảng 100 m mặt đê sụp sâu gần 2 m.

Đoạn đê Đá Bạc - Kênh Mới có chiều dài khoảng 4 km, thuộc đê biển Tây nằm trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Tháng 2/2020, tại đây xảy ra vụ sụp lún nghiêm trọng, khiến khoảng 100 m mặt đê sụp sâu gần 2 m.

Đoạn đê này được nghiệm thu, đưa vào sử dụng tháng 4/2019.

Ngoài lần sụt lún trên, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều khu vực của đê Đá Bạc - Kênh Mới bị sạt lở, hư hỏng do triều cường, sóng lớn tác động trực tiếp.

Nhiều đoạn đã mất hẳn đai rừng phòng hộ. Điều này đồng nghĩa việc triều cường, sóng lớn sẽ tác động trực tiếp đến thân đê, dễ xảy ra tình trạng sạt lở hoặc vỡ đê.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đánh giá đoạn Đá Bạc - Kênh Mới và một vài đoạn tuyến khác thuộc đê biển Tây có thể bị sạt lở, dễ dẫn đến vỡ đê. Sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển và 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, các đoạn đê khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: Ba Tĩnh - T25, Hương Mai - Tiểu Dừa, Đá Bạc - Sào Lưới… cũng nằm trong danh sách cảnh báo.

Đê biển Tây địa bàn tỉnh Cà Mau có tổng chiều dài 55 km, được nâng cấp hoàn thành giữa năm 2019, kinh phí thực hiện khoảng 1.600 tỷ đồng. Tuyến đê này bảo vệ cư dân và vùng sản xuất cho 5 xã của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, khoảng 6.000 m đê biển Tây sạt lở ở nhiều cấp độ, diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau. Trong đó, có khoảng 3.325 m đê thuộc 4 đoạn có nguy cơ sạt lở cao, cần khẩn cấp bảo vệ.

Trước diễn biến các vụ sạt lở diễn ra khá phức tạp, tháng 8/2020, tỉnh Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây trên địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Những hộ dân ngay sát đê đang phải di dời nhằm đảm bảo an toàn.

Tại các vị trí bị sạt lở, có nơi không còn đai rừng phòng hộ, có nơi đai rừng còn rất mỏng dù phía ngoài đã có hệ thống kè hộ đê ly tâm.

Tỉnh Cà Mau đang tiếp tục thực hiện các dự án đê, kè, cũng như xử lý, khắc phục ngay các vị trí sạt lở. Tỉnh cũng đã đề xuất được tạm ứng 10 tỷ đồng để khắc phục các vị trí sạt lở.

Ngoài ra, tỉnh dùng 4 tỷ đồng từ nguồn kết dư dự án đầu tư nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau để xử lý mái đê theo lệnh khẩn cấp tại những vị trí đê được cảnh báo đặc biệt nguy hiểm.

Theo ghi nhận tại một số điểm sạt lở ở đoạn Đá Bạc - Kênh Mới, vật liệu được tập kết khá lâu nhưng việc thi công gia cố đê vẫn chưa được thực hiện.

Đoạn đê Đá Bạc - Kênh Mới nằm trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Google Maps.

Phạm Ngôn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/de-bien-nghin-ty-co-nguy-co-sat-lo-post1139873.html