Để biển Khai Long không còn 'dậy sóng' khi vào mùa khai thác nghêu giống

Nghêu giống tại khu vực biển Khai Long (huyện Ngọc Hiển) đang vào mùa. Bên cạnh sự khó nhọc của nghề khai thác nghêu thì đây luôn là 'điểm nóng' về tình hình an ninh trật tự trong suốt nhiều năm qua.

Gần mười năm theo chồng về xã Đất Mũi sinh sống cũng là chừng ấy năm chị Trần Thị Ngọc Dung (31 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) cùng chồng ra biển cào nghêu, mỗi khi vào mùa.

Sợi dây được buộc vòng quanh mũi xuồng, chị Dung dùng cả thân mình chui lọt vào đó kéo chiếc xuồng đi. Nước ngập quá vai, chị Dung vừa kéo xuồng vừa tiếp chuyện chúng tôi với khuôn mặt tái nhợt vì lạnh.

Chị Dung chia sẻ: “Mỗi ngày tôi đều ngâm mình dưới nước khoảng 6-7 tiếng đồng hồ để phụ chồng cào nghêu. Thời điểm xuất hiện nghêu giống cũng là khi bước vào mùa mưa nên rất lạnh, vì cuộc sống thì cố gắng. Những năm trước hai vợ chồng đi cào nghêu mướn, mỗi tiếng như vậy được trả 150.000 đồng. Năm nay, hai vợ chồng quyết định tự cào, sau đó đem đi ương nuôi rồi xuất bán, cũng chưa biết lời lãi như thế nào”.

Với kinh nghiệm gần mười năm cào nghêu tại bãi, anh Lê Minh Trí (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cho hay, nghêu giống thường xuất hiện khoảng được 2-3 tháng. Do đó, hầu hết người dân nơi đây đều tập trung ra bãi để cào. Tùy theo con nước lớn ròng mà người dân tập trung ra bãi nghêu để khai thác nhiều hay ít.

Thông thường, nước ròng thường là thời điểm người dân tập trung ra bãi khai thác rất đông. “Thời điểm ra biển cào nghêu thường từ 9-10 giờ sáng mỗi ngày, cứ thế, những người đi cào nghêu đều ngâm mình dưới nước đến chiều mới vào bờ. Lúc đói thì lên xuồng ăn cơm được đem theo sẵn”, anh Trí chia sẻ.

Theo quan sát, để cào được nghêu giống, người dân nơi đây phải dùng máy để hút, đầy một bao tải nhỏ sẽ đổ ra và chở vào đất liền.

Theo ông Bông Văn Tâm, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, nghêu giống sau khi cào sẽ nằm pha lẫn với cát. Người dân sẽ thả nghêu vào hầm để ương nuôi khoảng 7 ngày thì cho xuất bán.

“Năm nay, mùa nghêu đến trễ hơn mọi năm, không những vậy, lượng nghêu giống cũng ít hơn. Thông thường những năm trước, người dân nơi đây một ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đến trên dưới một triệu đồng từ việc cào nghêu”, ông Tâm bộc bạch.

Chúng tôi rời khỏi bãi nghêu cũng vừa lúc cơn giông bắt đầu mạnh hơn, bầu trời vùng biển Đất Mũi tối sầm và những cơn sóng biển cũng lớn dần.

Trong nhiều năm qua, người dân nơi đây luôn xem bãi nghêu là ngư trường truyền thống để mưu sinh.

Do đó, mâu thuẫn từ việc tranh chấp khai thác, chủ yếu với Hợp tác xã nghêu giống Đất Mũi thường xuyên diễn ra, trở thành điểm nóng về an ninh trật tự của địa phương.

Ông Bùi Thanh Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển cho biết, bãi nghêu giống của xã xuất hiện từ nhiều năm qua.

Theo đó, đến thời điểm này thì nghêu giống lại xuất hiện. Hiện, trung bình mỗi ngày có từ 300 -500 phương tiện vào bãi nghêu để khai thác.

Trước việc người dân tập trung khai thác nghêu giống ồ ạt, UBND huyện Ngọc Hiển đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an huyện và UBND xã Đất Mũi vận động tuyên truyền người dân không được phép vào khu vực nuôi nghêu của Hợp tác xã nghêu Đất Mũi khai thác.

Tình trạng người dân dùng phương tiện cơ giới để khai thác nghêu vẫn đang diễn ra dù UBND xã đã chủ động phối hợp với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Bộ đội biên phòng tập trung tuyên truyền đến người dân.

Ông Bùi Thanh Thương cho biết, người dân dùng cơ giới để khai thác không chỉ làm hao hụt sản lượng nghêu giống khai thác được mà còn ảnh hưởng đến việc bảo tồn nghêu giống, tác động xấu tới dòng chảy, môi trường sinh thái ở khu vực bãi bồi Đất Mũi.

Ông Thương cho biết thêm, điều địa phương lo ngại nhất hiện nay chính là việc người dân khi khai thác hết nghêu giống ở khu vực phía bên ngoài thì sẽ vào cào nghêu trong khu vực nuôi của hợp tác xã.

Bởi những năm trước đây, hàng nghìn người dân đã đổ xô đến khu vực nuôi nghêu của Hợp tác xã nghêu Đất Mũi khai thác gây mất an ninh, trật tự địa phương, thậm chí những người này chống người thi hành công vụ.

Sở dĩ tình trạng tranh chấp khai thác diễn ra trong những năm trước là vì các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh, chủ yếu vẫn là vận động, tuyên truyền và xử lý hành chính.

Bên cạnh đó, hồ sơ đất đai của Hợp tác xã nghêu Đất Mũi chưa hoàn thiện nên rất khó khăn khi xử lý. Năm nay, Hợp tác xã nghêu Đất Mũi đã hoàn thiện được hồ sơ đất đai và đã được UBND tỉnh Cà Mau cấp phép.

Do đó, khi người dân vào khu vực nuôi của Hợp tác xã khai thác sẽ được xác định là hành vi vi phạm pháp luật, nếu đủ yếu tố cấu thành sẽ bị xử lý hình sự.

Với nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền, hy vọng người dân nơi đây dù khó khăn trong công cuộc mưu sinh vẫn tuân thủ đúng quy định của pháp luật để vùng biển Khai Long, Đất Mũi không còn “dậy sóng” mỗi khi vào mùa khai thác nghêu giống.

Huỳnh Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/de-bien-khai-long-khong-con-day-song-khi-vao-mua-khai-thac-ngheu-giong/85515.html