Dễ bị ngộ độc nếu ăn tôm sai cách

Rất nhiều người cho rằng, vỏ tôm chứa nhiều canxi, vì vậy họ thường cố gắng ăn sạch luôn cả vỏ, tuy nhiên sự thật lại không phải như vậy.

Chúng ta đều biết tôm là nguồn cung cấp protein dồi dào cùng với vitamin B12 và chất sắt giúp tăng cườngsức khỏe, nâng cao miễn dịch; đồng thời còn cung cấp một lượng canxi không hề nhỏ cho cơ thể.

Tuy vậy, nếu ăn quá nhiều tôm có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm và đây mới chính là điều mỗi người trong chúng ta cần đề phòng.

Dưới đây là một số tác động tiêu cực nếu ăn tôm không đúng cách.

1. Cấm kỵ với người bị bệnh gút, đau mắt đỏ, bị ho

Người bị bệnh gút không nên ăn quá nhiều tôm (Ảnh minh họa: Internet)

Trong tôm có nhiều protein, cụ thể 18,4g protein/100g tôm tươi, nên đây được xếp vào nhóm thực phẩm đại kị cho bệnh nhân bị gút vì nó làm tăng nồng độ a-xít uric trong máu, khiến các khớp xương sưng gây đau đớn.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, ăn tôm làm tình trạng đau mắt đỏ trở nên trầm trọng hơn.

Hệ hô hấp của những người đang bị ho rất dễ phản ứng với vị tanh từ tôm, khiến tình trạng ho sẽ dai dẳng mãi không khỏi. Đôi khi, ho lại là hậu quả do dị ứng thực phẩm gây nên.

2. Dị ứng

Trên thực tế, rất nhiều người bị dị ứng hải sản và tôm cũng không phải ngoại lệ. Triệu chứng thường thấy khi bị dị ứng có thể kể đến là nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến sốc phản vệ gây tử vong.

Vì vậy những người bị dị ứng với hải sản cần tuyệt đối kiêng kỵ ăn tôm, thậm chí nên rửa sạch cả bát đũa nếu những đồ vật này dùng để đựng hải sản trước đó. Khi có dấu hiệu dị ứng nên đến cơ sở y tế gần nhất chứ không nên tự ý điều trị vì dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

3. Ngộ độc

Theo nhiều nghiên cứu, tôm sống trong môi trường ô nhiễm chì hoặc thủy ngân thì những độc chất này sẽ tích tụ bên trong và có thể gây ngộ độc khi ăn quá nhiều hoặc mua phải loại tôm không sạch.

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, hàm lượng chì và thủy ngân bên trong tôm không đủ để đầu độc con người nên chúng ta không cần quá lo lắng về vấn đề này. Mặc dù vậy, hãy ăn tôm một cách điều độ vì lượng chì hay thủy ngân dù ít hay nhiều đều gây tác động tiêu cực đến hệ thần kinh cũng như tuổi thọ của con người.

4. Nguy cơ bị giun sán

Cần chế biến kỹ tôm để tránh lây nhiễm sán (Ảnh minh họa: Internet)

Tôm cũng như các loại hải sản hoặc thủy sản khác nếu không được chế biến kỹ sẽ là nguồn lây sán cho con người. Vì vậy, tuyệt đối nói không với các loại gỏi hoặc món ăn sống để bảo vệ sức khỏe bản thân nhé!

5. Tôm + vitamin C = Độc tố

Không nên kết hợp tôm để nguyên vỏ với các thực phẩm giàu vitamin C hoặc ăn hoa quả giàu vitamin này sau khi ăn tôm vì có thể tạo ra độc tố thạch tín. Tuy hàm lượng thạch tín này không đủ gây chết người nhưng nếu tích tụ nhiều trong cơ thể sẽ là mầm mống gây bệnh ung thư.

Vậy ăn bao nhiêu tôm là vừa đủ?

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một khuyến cáo cụ thể về hàm lượng tôm nên tiêu thụ cho mỗi cá nhân nhưng dựa vào những tác dụng phụ đề cập bên trên thì những người bị ho, bệnh gút, đau mắt đỏ, dị ứng tuyệt đối tránh sử dụng thực phẩm này. Nếu thấy có triệu chứng dị ứng, cần ngừng ăn ngay lập tức rồi đến các cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc kịp thời.

Những hiểu lầm thường thấy khi ăn tôm

Đầu tôm bổ thận tráng dương: Hiện nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được khả năng tăng cường sức mạnh giường chiếu của đầu tôm. Nếu ăn, hệ tiêu hóa thậm chí gặp nguy hiểm vì phần đầu tôm chủ yếu chứa chất thải của con tôm.

Vỏ tôm nhiều canxi: Nhiều người cố gắng 'nhồi nhét' vỏ tôm mặc dù nó không có hương vị gì chỉ vì nghĩ đây là bộ phận tập trung canxi nhiều nhất. Thực tế, phần thịt, chân, càng mới là nơi giàu canxi nhất. Nếu 'cố đấm ăn xôi' phần vỏ cũng không có tác dụng vì nó sẽ đào thải hết ra ngoài.

Sản phụ và trẻ đang tập ăn kiêng tôm: Quan niệm này hoàn toàn sai trái. Tôm là thực phẩm dinh dưỡng và rất lành tính, tốt cho phụ nữ và cả trẻ em.

Kim Ngưu (T/h)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/de-bi-ngo-doc-neu-an-tom-sai-cach-55718.htm