Đề án tổ chức chính quyền đô thị TP HCM: Mô hình mới, tầm cao mới

Theo Đề án tổ chức chính quyền đô thị TP HCM trình và kiến nghị Chính phủ, Quốc hội (QH) xem xét, thông qua, chính quyền địa phương ở TP HCM gồm có HĐND và UBND TP, chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường.

Từ lâu, khung pháp lý về quản lý đô thị ở nước ta như một tấm áo cũ chật hẹp, không đủ chứa đựng những yếu tố mới thực sự cần thiết cho phát triển hiện đại về đô thị xanh và thông minh. Thực trạng này thể hiện khá rõ ở TP HCM. Từ đó, đòi hỏi công tác quản lý đô thị phải có những nét đặc thù riêng, phải tổ chức quản lý đô thị theo nguyên tắc tập trung thống nhất cao, tránh tình trạng cắt khúc; quản lý đô thị theo nguyên tắc trực tiếp và cấp quản lý trên địa bàn đô thị...

TP HCM đã trải qua thực tiễn 7 năm (2009-2016) thí điểm mô hình không tổ chức HĐND quận, huyện và phường. Ngoài công việc giám sát và quyền làm chủ của người dân vẫn bảo đảm, phát huy tốt các kênh đại biểu (ĐB) HĐND TP, ĐBQH, MTTQ và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, đồng thời phát huy quyền làm chủ trực tiếp, tăng cường đối thoại giữa chính quyền và nhân dân qua các kênh báo chí, truyền thông..., TP HCM còn tiết kiệm cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng, giảm hàng trăm biên chế... Hiệu quả lớn nhất là công việc triển khai nhanh chóng, bộ máy tinh gọn, giảm được nhiều tầng nấc, thời gian giải quyết.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm trên, trong ngày 12-11, thảo luận tại hội trường góp ý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, nhiều ĐBQH bày tỏ sự nhất trí, ủng hộ cao việc TP HCM thực hiện chính quyền đô thị. Có ý kiến cho rằng mô hình chính quyền đô thị TP HCM sẽ đạt hiệu quả tối ưu trong giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của người dân một cách thực chất, nhanh hơn mà không thông qua các cấp trung gian. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền, bảo đảm sự liên thông, điều hành thống nhất, linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa bàn siêu đô thị. Việc ban hành nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết để đủ sức thúc đẩy, tạo chuyển biến lớn, tác động đến tăng trưởng kinh tế TP HCM một cách nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới. ĐB thống nhất xem xét nghị quyết tại kỳ họp theo quy trình rút gọn tại kỳ họp lần thứ 10, để không gây chậm trễ trong triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, nếu không sẽ kéo dài thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa...

Những băn khoăn về quyền làm chủ, giám sát đều được giải quyết trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh. Bên cạnh tăng cường vai trò cấp ủy Đảng, đoàn thể, cần quy phạm hóa một số giải pháp. Đó là trách nhiệm giải trình của chính quyền TP, quận và phường; định kỳ tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền từng cấp với nhân dân; tăng cường thời lượng và số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND TP cũng như tăng số lượng ĐB chuyên trách; tăng cường hoạt động giám sát của ĐBQH và Đoàn ĐBQH TP HCM...

Người dân TP HCM mong đợi và tin tưởng các ĐBQH thông qua Đề án mô hình chính quyền đô thị TP HCM để đưa TP HCM phát triển lên tầm cao mới, khi các điều kiện đều đã chín muồi.

DIỆP VĂN SƠN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mo-hinh-moi-tam-cao-moi-20201115215658312.htm