Đề án thu phí vào trung tâm: Thiếu khảo sát thực tế, không khả thi

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia và hội đồng phản biện của UB Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tp.HCM trong buổi thảo luận về đề án thu phí này.

Hội nghị phản biện xã hội về đề án thu phí ô tô vào trung tâm của công ty Tiên Phong

Sáng 12/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo đề án Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông do công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong đề xuất. Đa số các ý kiến chuyên gia đều không đồng ý với đề án thu phí này với nỗi lo chung là người dân sẽ phải chịu cảnh “phí chồng phí”, và việc thu phí chống ùn tắc này sẽ là bức xúc của người dân nếu đề án được thực hiện.

Ông Đồng Văn Khiêm, thành viên hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tp.HCM cho rằng: Đây là một đề án có nhiều ý tưởng mới tuy nhiên để thực hiện dự án này thì cần cân nhắc rất kỹ và có sự ủng hộ của người dân.Về nội dung của dự án thì mục đích cao nhất của dự án là hạn chế ùn tắc giao thông. Thế nhưng trong những nguyên nhân khiến ùn tắc ngày càng nghiêm trọng như hiện này thì nguyên nhân lớn nhất là ý thức của người tham gia giao thông. Trên thực tế, khi tham gia trên đường nếu có lực lượng CSGT thì người dân chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh và khi có ùn tắc nếu cứ có lực lượng CSGT tới phân luồng thì ùn tắc được thuyên giảm.

Vấn đề chính mà đề án này nhấn mạnh là lượng phương tiện giao thông đang tăng, thế nên việc thu phí nhằm mục đích hạn chế xe ô tô vào trung tâm. Nhưng theo tôi là đơn vị cần đánh giá xem việc hạn chế này liệu có khả thi.

Trong khi khảo sát, đánh giá các số cụ thể là lượng xe vào thành phố là bao nhiêu. Loại xe thường xuyên vào trung tâm là xe gì, xe tải, xe taxi hay xe vãng lai… Bên cạnh đó, cần có con số khảo sát đánh giá cụ thể xe vào nội đô giờ cao điểm là bao nhiêu, thấp điểm là bao nhiêu. Từ khảo sát cụ thể đó chúng ta mới có được có đề án hợp lý. Còn nếu chúng ta cứ đánh vào tâm lý “xót tiền”, và để người dân không đưa xe vào trung tâm thì tôi cho rằng đề án sẽ không khả thi.Và đề án này vẫn chưa có một đánh giá cụ thể là nếu anh thu phí thì sẽ hạn chế được bao nhiêu phần trăm lượng xe vào trung tâm. Còn tổng thể đề án thì mọi thứ vẫn chung chung, không có đánh giá, nghiên cứu cụ thể. Nếu đề án được thực hiện và sau này không có hiệu quả thì ai là người chịu trách nhiệm ? Ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường, Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, xã hội.

Ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường, Ủy ban MTTQ TP.HCM cũng không đồng tình về đề án này

Ông Ninh cũng đồng ý kiến với ông Khiêm về vấn đề này. Hiện nay Trung tâm Tp.HCM là nơi tập trung nhiều cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, ở đây cũng là nơi có nhiều doanh nghiệp hoạt động. Và việc thu phí này sẽ gây thiệt hại cho người dân, và quyền lợi của các cơ quan.

Thu phí vào trung tâm thì thiệt hại cho những hộ kinh doanh và người dân có nhu cầu ra vào khu vực này thường xuyên sẽ tăng lên. Từ đó, đời sống người dân trở nên khó khăn hơn vì thu nhập ít, nhưng chi phí lại nhiều.

Cũng theo ông Ninh, tầm nhìn phải gắn liền với thực tiễn cuộc sống, xã hội. Nếu không nắm được tình hình thực tiễn, thì không những không đưa ra chủ trương đúng, mà còn là “ảo tưởng” trong phòng máy lạnh.

Hơn nữa, theo chuyên gia về lĩnh vực đô thị, thu phí vào trung tâm có thể giảm ùn tắc giao thông trong nội đô và thành phố sẽ có số tiền mỗi năm khoảng 700 tỷ đồng. Số tiền này sẽ đi về đâu và sử dụng cho mục đích gì cần phải thông tin cho người dân và doanh nghiệp hiểu rõ.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/de-an-thu-phi-vao-trung-tam-thieu-khao-sat-thuc-te-khong-kha-thi-d53089.html