Đề án Sữa học đường: Những gói thầu cần nhiều hơn sự minh bạch

Gần như đồng thời, cả hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội đang có những bước chuẩn bị tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu cung cấp sữa thuộc Đề án Sữa học đường. Những gói thầu hàng ngàn tỷ đồng này đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nhiều nguyên nhân.

Mục tiêu cải thiện chiều cao cho trẻ em là chủ trương lớn của Chính phủ, yếu tố chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Ảnh: Internet

Hàng ngàn tỷ đồng để cải thiện chiều cao

Nếu không có gì thay đổi, ngày 10/10/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội sẽ mở Gói thầu Mua sữa thuộc Đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Mức đóng góp cho chương trình sữa học đường là ngân sách 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20% và phụ huynh góp 50%. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 triệu đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng. Giá một hộp sữa học đường dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp 180 ml, không tăng từ năm 2018 đến hết năm 2020.

Sáng nay, 8/10/2018, ngay ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa IX (kỳ họp bất thường), câu chuyện sữa học đường cũng được đề cập và đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận. Một trong những nội dung được đưa ra thảo luận là cơ chế hỗ trợ ngân sách thực hiện Đề án, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn TP.HCM. Theo tính toán, tổng kinh phí là gần 1.135 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng. Cha mẹ học sinh đóng gần 548 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, theo dự thảo Đề án, tổng kinh phí cho Chương trình Sữa học đường triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020 sẽ là hơn 2.110 tỷ đồng và mục tiêu đến năm 2020, 100% học sinh ở các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn được uống sữa. Cụ thể, kinh phí mỗi năm sẽ là khoảng 703 tỷ đồng, trong đó, phụ huynh học sinh đóng góp 409 tỷ, UBND Tỉnh cấp 10% phần còn lại ngoài nguồn đóng góp của phụ huynh (không quá 15 tỷ đồng), nguồn xã hội hóa là khoảng 279 tỷ đồng.

Tại Bến Tre, tổng kinh phí dự kiến cho Đề án trong 4 năm (2017 - 2020) là 196.082.469.000 đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước (10% cho các hộ nghèo): 3.255.932.000 đồng; Đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ (từ 20% trở lên): 39.216.494.000 đồng; Phụ huynh đóng góp (từ 70 -80%): 130.818.521.000 đồng; Vận động tài trợ, viện trợ (cho các hộ nghèo): 22.791.522.000 đồng.

Tại phía Nam, địa phương chi khá mạnh tay cho đề án này thuộc về Đồng Nai với mức kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.

Làm sao để minh bạch và hiệu quả?

Trình bày tại cuộc họp của HĐND TP.HCM, đại diện UBND Thành phố đề xuất triển khai chương trình ngay trong năm học 2018 - 2019 đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm học sinh tiểu học lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Nội dung liên quan đến tổ chức thực hiện Đề án tại TP.HCM nhận được nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu. Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm bày tỏ lo lắng khi Đề án tổ chức đấu thầu liệu có đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như các cơ chế giám sát đấu thầu có phát huy hiệu quả? Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định: “Việc tổ chức đấu thầu sữa học đường sẽ được tiến hành và giám sát bởi nhiều cơ quan, từ Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Trung tâm dinh dưỡng và các ban ngành liên quan”.

“Đây là lần đầu TP.HCM thí điểm thực hiện Đề án, nên công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp sữa phải đặc biệt được coi trọng, nghiêm túc để lựa chọn được nhà cung cấp uy tín”, bà Tâm nhận định. TP.HCM đặc biệt coi trọng năng lực, khả năng cung cấp nguồn sữa đạt chuẩn cũng như hệ thống kho bãi, vận chuyển của nhà thầu.

Tại TP. Hà Nội, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, cho đến thời điểm hiện tại có 11 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu Cung cấp sữa. Đơn vị này thậm chí đã gia hạn thời gian phát hành HSMT để chuẩn hóa HSMT cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu chuẩn bị tốt hồ sơ dự thầu (HSDT). Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cam kết lựa chọn nhà thầu theo tiêu chí công khai, cạnh tranh và có thuê các đơn vị tư vấn thẩm định uy tín nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho Đề án.

Những quan ngại mà dư luận đặt ra đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp sữa học đường có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, kinh phí của các đề án này thực sự là rất lớn đối với ngân sách và cả nguồn huy động từ người dân. Thứ hai, mục tiêu cải thiện chiều cao cho trẻ em là chủ trương lớn của Chính phủ, yếu tố chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu vì đối tượng thụ hưởng rất đặc biệt. Tại Đồng Nai, những lình xình quanh chuyện Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương trúng thầu cung cấp sữa với giá cao hơn thị trường vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo. Và ở một số địa phương khác, tình trạng ngộ độc tập thể nghi do uống sữa học đường đã xảy ra.

Do đó, công tác đấu thầu sữa học đường cần phải được tiến hành đặc biệt nghiêm túc, minh bạch và có sự tham gia sâu sát ở mọi khâu của cơ quan giám sát.

Hải An

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-thau/de-an-sua-hoc-duong-nhung-goi-thau-can-nhieu-hon-su-minh-bach-81681.html