Đề án Sữa học đường: Ép buộc phụ huynh trên tinh thần tự nguyện?

Đề án Sữa học đường được triển khai trên tinh thần tự nguyện, tuy nhiên nhiều phụ huynh phản ánh rằng đang rơi vào cảnh bị ép buộc đăng ký trên tinh thần tự nguyện.

Mục tiêu của đề án là cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Nài nỉ đăng ký vì thành tích lớp, không đăng ký thì mời lên… nói chuyện lại?

UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020.

Tinh thần của là chương trình tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia, tuy nhiên nhiều phụ huynh cho rằng cách triển khai chương trình “tự nguyện” này đến học sinh đang có vấn đề.

Đề án sữa học đường được triển khai đến các trường mầm non và tiểu học.

Chị L.T (Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết ban đầu chị không đồng ý cho con tham gia chương trình này nhưng sau đó cô giáo đã mời những phụ huynh ký không đồng ý lên để… nói chuyện lại.

“Mới đầu giáo viên nói đây là chương trình chung của trường đề nghị bố mẹ cho con tham gia, khi gia đình nói không có nhu cầu thì các cô gọi lên để trao đổi lại là đây là chương trình tự nguyện nhưng nếu con không tham gia thì con sẽ thiệt thòi trong hoạt động tập thể. Cô giáo đánh vào tâm lý bố mẹ thương con để đề nghị ký lại”.

Cũng theo chị T, gia đình chị không muốn tham gia vì thông tin hãng sữa không minh bạch, chưa chốt hãng thầu sữa. Nếu sau này đổi hãng khác thì phụ huynh không kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

Chị T cho biết thêm, lớp con chị có 5 phụ huynh ký không tham gia chương trình nhưng sau khi cô giáo mời lên nói chuyện lại cũng đành ký đồng ý vì sợ con mình đi học bị thiệt thòi.

“Tôi đành ký nhưng cũng yêu cầu cô giáo là để cho cháu cầm còn uống hay không là việc của gia đình. Tôi bảo con không uống cầm về cho mẹ chứ các con uống ở trường giáo viên thu vỏ vứt đi thì không ai biết con mình uống sữa gì, còn date hay hết” – chị T bộc bạch.

Trường mầm non Hương Sen - nơi có phụ huynh phản ánh về cách triển khai chương trình có phần “khác lạ” với tinh thần tự nguyện. Ảnh: Nguyễn Hà

Một phụ khác có con học tại trường mầm non Hương Sen (Hà Đông, Hà Nội) cho biết khi đón con, cô giáo đưa tờ phiếu đăng ký chương trình Sữa học đường, "các cô gần như nài nỉ vì thành tích lớp, tôi nói luôn là không đồng ý, còn vì thành tích lớp ký hay không còn suy nghĩ” – phụ huynh này chia sẻ.

Theo phụ huynh này, chị không đồng tình bởi với những bé dị ứng sữa thì hiển nhiên không được uống vì rất nguy hiểm mà lớp có bạn không uống sẽ mất thành tích của lớp thì rõ ràng mâu thuẫn. Thêm nữa với các con học bán trú, sữa đã có trong thực đơn hàng ngày thì không biết phải “nhồi nhét” vào lúc nào.

Nhà trường nói gì?

Nói về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Nhàn – Hiệu trưởng trường mầm non Hương Sơn cho biết, ngay khi nghe thông tin phản ánh, nhà trường đã tổ chức họp để thông báo và quán triệt đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thông tin nêu trên.

Toàn bộ giáo viên nhà trường khẳng định đã thực hiện tuyên truyền đến toàn bộ phụ huynh chương trình Sữa học đường hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc nên phụ huynh có thể đăng ký khi nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của Chương trình và có nhu cầu.

Nhà trường cũng khẳng định đã quán triệt đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường tuyên truyền đến các bậc phụ huynh rằng: Đề án chương trình sữa học đường là một chương trình hoàn toàn tự nguyện nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020.

Đồng thời, nhà trường tiến hành cho phụ huynh đăng ký theo chỉ đạo chung tại cuộc họp trực tuyến ngày 7.9.2018 nhằm khảo sát nhu cầu của phụ huynh học sinh đến đâu để báo cáo cấp trên.

Nguyễn Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/de-an-sua-hoc-duong-ep-buoc-phu-huynh-tren-tinh-than-tu-nguyen-631633.ldo