'Đề án Quy hoạch điện VIII: Tháo gỡ những nút thắt trong phát triển năng lượng'

'Đề án Quy hoạch điện VIII: Tháo gỡ những nút thắt trong phát triển năng lượng' là chủ đề của chương trình tọa đàm do Báo điện tử Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức nhằm trao đổi ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý về nguồn năng lượng hóa thạch, năng lượng tái và việc tháo gỡ những nút thắt trong Đề án Quy hoạch điện VIII.

Khách mời tham gia tọa đàm gồm: PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y Tế; Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; TS. Ngô Đức Lâm, Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến viên và dịch vụ nghề vườn Việt Nam; Ông Vũ Xuân Thận, Trưởng ban mặt trận khu dân cư thôn Vũ Trù Làng, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Chuyên gia sức khỏe, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó tổng biên tập Báo điện tử Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn... Dự kiến, để đảm bảo cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030. Đây là những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Để vượt qua các khó khăn, thách thức, đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, Bộ Công thương đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Việc xây dựng Quy hoạch điện VIII kỳ vọng sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.

Tại Tọa đàm, TS. Ngô Đức Lâm cho biết, Quy hoạch điện VIII hiện đã xây dựng xong. Theo Quy hoạch điện VIII, tổng số tiền đầu tư là 128 tỷ USD, trong đó 98 tỷ USD cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng than, khí, các nhà máy. Riêng đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo là khoảng 40 tỷ USD. Như vậy, chưa bao giờ tiền đầu tư cho năng lượng tái tạo chiếm một nửa đầu tư cho phát triển ngành điện lực.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, qua đề án thấy rõ sự nỗ lực của Nhà nước và các tổ chức để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Ông cho rằng, để bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia, ngoài các vấn đề về kỹ thuật thì chúng ta phải thực hiện tốt Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm bảo đảm tốt các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề an sinh. Làm dự án nhiệt điện cũng phải bảo đảm được các tiêu chuẩn, tiêu chí về môi trường; bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội. “Tôi rất đồng tình với các nhà khoa học trên thế giới hiện nay khi phát triển năng lượng thay thế. Mọi hoạt động trong cuộc sống đều hướng tới yếu tố sạch, phi cacbon. Các nhà đầu tư nên đón bắt các xu thế sạch như vậy”.

Góp ý xây dựng Quy hoạch, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, giải pháp để có chính sách phát triển, thu hút được nhà đầu tư, cần có chính sách minh bạch. Trong quy hoạch điện VIII, tại phụ lục 9.4, cần phải định nghĩa rõ ràng cho các nhà đầu tư. Trong phụ lục 9.3, chúng ta đã phân ra các vùng, các tỉnh nào thì năng lượng nào được phát triển, song lại đưa danh sách các dự án điện gió ngoài khơi và tên các nhà đầu tư vào, như vậy sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư khác. Về mặt chính sách, luật hóa văn bản cần hết sức cân nhắc để tạo đồng thuận ngoài xã hội, thu hút thêm các nhà đầu tư đầu tư lâu dài, bảo đảm chính sách công bằng, minh bạch cho tương lai.

Ông Nguyễn Văn Sơn thì cho rằng, giải pháp căn cơ để giảm dần giảm sự phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, đa dạng hóa hệ thống năng lượng tái tạo nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn và hướng tới bảo đảm sức khỏe con người là phải tuyên truyền để cả Nhà nước và người dân hiểu một cách thấu đáo thực sự về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và vấn đề rác thải. Ở đây, chúng ta cần có những báo cáo đánh giá về năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, tồn dư như ra sao và ngay cả vấn đề ô nhiễm nguồn nước… ; có những chế tài, biện pháp cải tiến để giảm thiểu tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường. Còn những nhà máy mới vẫn trong quy hoạch, định hướng tiếp tục sử dụng nhà máy dùng năng lượng hóa thạch thì phải chọn công nghệ nào cho bảo đảm.

Ông Ngô Đức Lâm nhận định, Quy hoạch điện VIII có 4 tập, 831 trang nhưng phần giải pháp quá ít. Trong khi đó, quy hoạch khác với định hướng, chính sách. Quy hoạch phải rất cụ thể, công nghệ ra sao, hiệu quả năng lượng ra sao, giá cả như thế nào... Nếu không có giải pháp thì tầm 2,3 năm nữa lại bắt đầu điều chỉnh lại kế hoạch. Ngay từ bây giờ phải thấy rõ cái đó để xử lý. Mặt khác, hiện nay vẫn chưa nhất trí việc hiểu sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên sơ cấp trong nước (than, khí, năng lượng tái tạo…) khi sử dụng hợp lý rồi thì mới ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Giảm điện than nhưng phải có lộ trình và mức độ thì mới bảo đảm an ninh năng lượng. Năng lượng tái tạo cũng có mặt trái của nó. Bây giờ phải phù hợp với xu hướng thế giới, không chỉ có năng lượng tái tạo mà còn có khí hóa lỏng và khí hydro.

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã nêu rất nhiều ý kiến xung quanh những thách thức trong bảo đảm an ninh năng lượng và cơ hội từ phát triển năng lượng tái tạo; Chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.../.

T. Huyền

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/de-an-quy-hoach-dien-viii-thao-go-nhung-nut-that-trong-phat-trien-nang-luong-575896.html