Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 'Có hồ câu, cần câu tốt nhưng phải biết cách câu'

Sáng 1-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

6 "cái nhất" vùng dân tộc thiểu số

Đại biểu Y Khút Niê (đoàn Đắc Lắk) cho biết thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã không ngừng quan tâm, ban hành 118 văn bản đề cập tới đầu tư, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, song hiệu quả chưa như mong muốn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (bên phải) bổ sung thêm một cái nhất của vùng đồng bào dân tộc miền núi, bên cạnh 5 cái nhất đại biểu Y Khút Niê nêu

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (bên phải) bổ sung thêm một cái nhất của vùng đồng bào dân tộc miền núi, bên cạnh 5 cái nhất đại biểu Y Khút Niê nêu

“Đây vẫn là vùng khó khăn nhất, với 5 nhất đáng buồn là: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội thấp nhất và tỉ lệ hộ nghèo cao nhất”, ông Niê chỉ ra và đánh giá việc xây dựng đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bổ sung thêm một “cái nhất” khác: Đây cũng là vùng được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều nhất, với nhiều chính sách nhất.

"Có cần câu tốt nhưng cũng phải biết cách câu"

Đồng tình với 5 quan điểm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nêu trong đề án, song theo đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) thực tiễn thực hiện chính sách dân tộc thiểu số thời gian qua còn tồn tại một bất cập, đó là nhà nước thường ban hành chính sách chung thực hiện cho nhiều vùng miền, nên có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao.

Đại biểu Đinh Thị Bình đề nghị chú trọng các chính sách nâng cao nguồn nhân lực

Vì vậy, bà Bình đề nghị bổ sung quan điểm đầu tư phát triển kinh tế xã hội phải dựa trên nghiên cứu cụ thể về đặc điểm, nhu cầu của từng cộng đồng dân tộc thiểu số, không nên đánh đồng mọi đối tượng, mọi vùng miền.

“Chính phủ chỉ nên quy định chính sách khung, còn lại giao tự chủ cho các địa phương thực hiện”, bà Bình kiến nghị.

Về các giải pháp thực hiện đề án, bà Bình kiến nghị cần rà soát, cân đối nguồn lực, bố trí đủ vốn cho đề án đúng theo quy định, không để tình trạng chính sách đã ban hành nhưng không bố trí được nguồn lực, khiến chính sách dân tộc như “một loại quả đẹp nhưng không ăn được”.

Bên cạnh việc đảm bảo đất ở, sinh kế cho đồng bào, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi theo bà Bình, nếu chúng ta đã tập trung để tạo ra những cái cần câu tốt, những hồ câu tốt mà người cầm cần không đủ khả năng, không biết cách câu thì khó thành công được.

Cần đánh thức tiềm năng, khơi dậy nội lực để đồng bào dân tộc miền núi thoát nghèo

Về kinh phí thực hiện đề án, đại biểu Y Khút Niê đánh giá chủ trương huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội là đúng đắn, trong đó sự vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách nhà nước là quyết định.

“Việc huy động nguồn lực đầu tư phải tập trung một đầu mối để điều chỉnh thống nhất từ trung ương tới địa phương, tránh tình trạng mỗi bộ ngành một đầu mối, mỗi lĩnh vực phân tán, mạnh ai nấy làm để rồi làm suy yếu hiệu quả sử dụng nguồn lực của dự án”, ông Niê nói và kiến nghị nên phân bổ theo tỉ lệ % thích hợp để cơ quan thực hiện đề án chủ động triển khai.

Khơi dậy nội lực, hỗ trợ khởi nghiệp

Góp ý xây dựng đề án, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) cho rằng phải đánh thức được tiềm năng, phát huy lợi thế vùng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực, làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

“Phát triển hạ tầng, nhất là hệ tầng giao thông thông tin kết nối, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực là quan trọng nhất”, bà Trang nhấn mạnh và đề nghị có chính sách khuyến khích bà con xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với tình hình thực tiễn của địa phương; có chính thu hút các doanh nghiệp, các dự án nhà máy sử dụng nhiều lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh khởi nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam (đoàn Tiền Giang) đánh giá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, là địa bàn góp phần rất quan trọng trong hình thành, nuôi dưỡng và phát triển tinh thần cách mạng, nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các đơn vị kinh tế quốc phòng hiện nay hầu hết nằm ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua đã phát huy hiệu quả đầu tư, cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào địa phương.

Để hoàn thiện đề án, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa kiến nghị bổ sung nội dung củng cố các đoàn kinh tế quốc phòng, Chính phủ tạo hành lang pháp lý để tạo hành lang pháp lý các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/de-an-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-co-ho-cau-can-cau-tot-nhung-phai-biet-cach-cau/831112.antd