Đề án kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu: Làm rõ những điểm đổi mới và trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành

'Trong tháng 8/2020, Tổng cục Hải quan cần hoàn thiện dự thảo Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ.

Cán bộ Cục Hải quan Hà Nội kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: Hải Anh

Cán bộ Cục Hải quan Hà Nội kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: Hải Anh

Trong đó, cần làm rõ cơ sở pháp lý và điểm cải cách mới, đánh giá tác động của đề án…”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến, diễn ra ngày 10/8/2020.

Các bộ, ngành ủng hộ việc cải cách tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu

Tại cuộc họp trực tuyến về “Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì, đại diện các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan liên quan đã đánh giá cao những tiếp thu của Ban soạn thảo đề án (Tổng cục Hải quan chủ trì).

Đại diện các bộ, ngành đều bày tỏ quan điểm ủng hộ cải cách được nêu trong đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp (DN) và xã hội trên cơ sở áp dụng phương thức quản lý rủi ro của cơ quan hải quan.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo đề án đã tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, cơ bản đáp ứng các yêu cầu cải cách của Chính phủ, khi đã chấp thuận vai trò của tổ chức đánh giá sự phù hợp khi tham gia vào chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, đại diện các bộ, ngành cũng bày tỏ quan tâm và đề nghị làm rõ hơn về cơ sở pháp lý trong việc xây dựng đề án, sao cho các quy định phù hợp với các luật liên quan đến kiểm tra chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm; phân định rõ trách nhiệm chủ hàng (nhà nhập khẩu) khi tham gia nhập khẩu hàng hóa; trách nhiệm phát hiện và xử lý vi phạm…

Cũng theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, đề án cần làm rõ trách nhiệm hàng hóa gắn với chủ hàng (nhà nhập khẩu) trong trường hợp hàng hóa đó không phù hợp tiêu chuẩn chất lượng thì mới có căn cứ xử lý. Ban soạn thảo cũng cần có đánh giá tác động lợi ích về kinh tế - xã hội và lợi ích DN của đề án khi được áp dụng, cũng như những vướng mắc có thể xảy ra khi thực thi để có tính thuyết phục cao, trước khi trình Chính phủ.

Liên quan đến việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị, cần làm rõ thêm ngoài việc kiểm tra chất lượng đối với nhóm hàng hóa có nguy cơ cao khi nhập khẩu, có quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm đối với hàng hóa do DN tự chịu trách nhiệm. Hơn nữa cũng cần phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu vừa phải kiểm tra chất lượng vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm.

Đại diện Bộ Công thương cũng nêu ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý của đề án và vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành; cơ chế chia sẻ thông tin…

Gấp rút hoàn thiện đề án trong tháng 8

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đánh giá cao sự quan tâm của các bộ, ngành, các bên liên quan trong việc hợp tác với cơ quan hải quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện đề án.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, Nghị quyết số 99/NQ-CP năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 Chính phủ giao Bộ Tài chính “xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành, theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm”. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) phải thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp các bộ tiếp thu ý kiến tham gia tại hội nghị để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án trình Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu, Tổng cục Hải quan cần làm rõ một số điểm quan trọng như: cơ sở pháp lý của đề án, dự thảo nghị định triển khai đề án; làm rõ các nội dung cải cách đổi mới của đề án theo hướng cải cách triệt để; đánh giá tác động của đề án, lộ trình thực hiện… Dự thảo đề án cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan, các bộ, ngành khi triển khai mô hình mới; cũng như rõ trách nhiệm các bộ, ngành phối hợp với cơ quan hải quan như thế nào. Đồng thời, cơ quan hải quan cần đánh giá điều kiện nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện đề án; giải pháp kiểm tra sau thông quan và phương án cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Để đảm bảo tiến độ của Chính phủ đề ra, Thứ trưởng Vũ Thị Mai chỉ đạo, Tổng cục Hải quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án và trình Bộ Tài chính trong tháng 8/2020…

Từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính giao cho Tổng cục Hải quan gấp rút hoàn thiện dự thảo đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 99/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 và Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020. Tổng cục Hải quan đã tổ chức các cuộc làm việc, tổ chức hội nghị lấy ý kiến với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo đề án. Dự kiến dự thảo đề án sẽ được trình Bộ Tài chính trong tháng 8.

Hải Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-12/de-an-kiem-tra-chat-luong-hang-hoa-nhap-khau-lam-ro-nhung-diem-doi-moi-va-trach-nhiem-phoi-hop-cua-cac-bo-nganh-90861.aspx