Đề án kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu: 'Cải cách vì lợi ích tổng thể'

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp về dự thảo đề án 'Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu' diễn ra ngày 13-10 tại Hà Nội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp.

Đưa ra 7 cải cách lớn

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện cải cách, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người dân khi thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa còn đang chịu nhiều thủ tục hành chính. Đây là rào cản gia nhập thị trường, tăng chi phí và thời gian, tốn kém cho xã hội.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp xây dựng đề án về kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm tại cửa khẩu, theo hướng cơ quan Hải quan là cơ quan đầu mối kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các bộ kiểm tra chuyên ngành theo hướng hậu kiểm.

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Tại cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ rà soát trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Mai Tiến Dũng cho rằng, đề án theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối tại cửa khẩu, trừ các mặt hàng đặc thù, còn những hàng hóa hải quan thực hiện kiểm tra được thì giao hết cho cơ quan hải quan. Nếu làm tốt, cải cách này sẽ rất triệt để.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, đề án đưa ra 7 nội dung cải cách lớn, gồm: Giao cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra để cắt giảm đối tượng phải kiểm tra trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; đơn giản hóa trình tự, thủ tục kiểm tra ở từng phương thức kiểm tra theo trình tự kiểm tra quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm tối đa lô hàng phải kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước; áp dụng quản lý rủi ro nâng cao tính tuân thủ, giảm chi phí xã hội; bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra; ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.

Mô hình mới được triển khai sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cũng như nền kinh tế tiết giảm chi phí.

Cải cách vì lợi ích tổng thể

Tại cuộc họp, hơn 10 lượt ý kiến từ các bộ, ngành và đơn vị đóng góp vào đề án đều thống nhất về cải cách kiểm tra chuyên ngành nhưng cần làm rõ một số nội dung. Theo đại diện của Bộ Công Thương, việc áp dụng chung mô hình kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu chưa thuyết phục bởi mỗi loại hàng hóa có đặc thù khác nhau và yêu cầu về quản lý nhà nước, chuyên ngành khác nhau.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật là khác nhau nên không thể áp dụng quản lý rủi ro như nhau.

Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế cho rằng cần nêu rõ với mô hình mới này, thời gian thông quan hàng hóa sẽ giảm như thế nào so với trước. Bên cạnh đó, hiện nay, thực phẩm chỉ kiểm tra về chỉ tiêu an toàn, còn chất lượng do doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Với đề án mới, thực phẩm nhập khẩu thêm một khâu nữa là kiểm tra chất lượng dẫn đến sự không công bằng giữa mặt hàng thực phẩm trong nước và nhập khẩu.

Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao đề án và mong nội dung cải cách sớm được hiện thực hóa, bởi đề án giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí. Quy trình và thủ tục của đề án làm rõ được cơ quan đầu mối và cơ chế phối hợp nhưng cần nhìn tổng thể phía doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tiếp thu các ý kiến đóng góp và cho biết nhóm xây dựng đề án sẽ hoàn chỉnh cho phù hợp hơn.

Kết luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, Bộ Tài chính hoàn thiện đề án.

“Đề án cần được chỉnh sửa theo hướng thực sự cải cách, không phát sinh thêm thủ tục, không làm khó doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn bảo đảm quản lý hiệu quả”, đồng chí Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/980770/de-an-kiem-tra-chat-luong-an-toan-thuc-pham-hang-hoa-nhap-khau-cai-cach-vi-loi-ich-tong-the