Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo TP Hà Nội: Cú hích mới cho startup

Những năm qua, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (KNST) ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng phát triển rất mạnh mẽ. Việc Đề án Hỗ trợ KNST trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 – 2025 ra đời như một làn gió mới thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và được cộng đồng DN đánh giá cao.

Trao đổi về sản phẩm tại Vườn ươm Doanh nghiệp Chế biến và Đóng gói thực phẩm tại Hà Nội (HBI). Ảnh: Khắc Kiên

Trao đổi về sản phẩm tại Vườn ươm Doanh nghiệp Chế biến và Đóng gói thực phẩm tại Hà Nội (HBI). Ảnh: Khắc Kiên

Phát triển mạnh nhưng thiếu bài bản

Theo Tổng Giám đốc BK Holdings TS Nguyễn Trung Dũng, thực trạng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong đại học hiện nay chưa tạo được môi trường thúc đẩy; Sinh viên, giảng viên chưa nắm bắt được các kiến thức; Hợp tác, liên kết giữa nhà trường và DN còn hạn chế, mang tính hình thức; Chưa có các tổ chức trung gian trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chuyên nghiệp; Chiến lược các đại học đa phần đang ở mức tập trung cho cấp độ cơ bản đầu tiên là các hoạt động GD&ĐT... Nguyên nhân chính là do trở ngại tư duy và về nguồn nhân lực (con người, tài chính).

Đề án Hỗ trợ KNST và các chính sách thúc đẩy KNST trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 – 2025 vừa được công bố ngày 29/10. Tổng kinh phí hỗ trợ của đề án là 312,9 tỷ đồng từ ngân sách TP Hà Nội. Thời gian hỗ trợ từ 2019 – 2025.

Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, mới đây UBND TP Hà Nội phê duyệt và ban hành Đề án Hỗ trợ KNST trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 – 2025 trong đó tập trung truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về KNST; Kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ KNST của TP; Hỗ trợ hình thành thêm 2 - 3 vườn ươm, không gian KNST; Thu hút từ 3 – 5 Quỹ đầu tư nước ngoài đặt văn phòng tại Hà Nội và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập Quỹ đầu tư cho KNST; Hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội: Giai đoạn 1 (năm 2019) có 500 dự án KNST, giai đoạn 2 có 150 KNST thương mại hóa sản phẩm, giai đoạn 3 có 20% gọi vốn thành công, giai đoạn 4 (năm 2025) có 500 tỷ đồng...

Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP Hà Nội (Sở KH&ĐT) Lê Văn Quân, Đề án tập trung các nguồn lực thúc đẩy tinh thần KNST đi vào thực tế. Đối tượng tham gia là cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.... Các DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (có thời gian hoạt động không quá 5 năm, chưa thực hiện chào bán chứng khoán); Các tổ chức cung cấp dịch vụ, tư vấn, cơ sở vật chất – kỹ thuật, truyền thông, đầu tư cho KNST trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều hỗ trợ cho các startup

Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ KNST, ông Lê Văn Quân cho biết, DN sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí truyền thông để thực hiện dự án... Được Sở TT&TT giúp hình thành, hoàn thiện và duy trì truyền thông trên cổng thông tin KNST StartupCity.vn. Ngoài ra, DN còn được hỗ trợ về đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Hỗ trợ kinh phí để đào tạo kiến thức chuyên sâu về KNST tối đa 20 triệu đồng/DN hoặc Dự án/năm; Hỗ trợ kinh phí để đào tạo huấn luyện viên, cố vấn KNST tối đa 20 triệu đồng/cố vấn, huấn luyện viên/năm.

Đề án cũng hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất cho KNST như: Hỗ trợ kinh phí để xây mới, cải tạo, sửa chữa các vườn ươm DN, không gian hỗ trợ KNST tối đa 200 triệu đồng/đơn vị; Hỗ trợ kinh phí cho các DN KNST tham gia các cơ sở ươm tạo 50%, tối đa 5 triệu đồng/DN/tháng... Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết, kết nối hệ sinh thái với việc hỗ trợ kinh phí tổ chức cuộc thi, giải thưởng; hỗ trợ kinh phí tham gia gian hàng tại Ngày hội khởi nghiệp TP; Hỗ trợ kinh phí cho các DN KNST tham gia các khóa huấn luyện tập trung tại nước ngoài tối đa 100 triệu đồng/DN hoặc dự án...

Đề án còn hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện Hội đồng tư vấn về chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện Hội đồng tư vấn về xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ; Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện Hội đồng tư vấn về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện Hội đồng tư vấn về xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý... Cùng với đó các DN còn được hỗ trợ kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ và thương mại hóa sản phẩm (marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ...).

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-an-ho-tro-khoi-nghiep-sang-tao-tp-ha-noi-cu-hich-moi-cho-startup-356348.html