Đề án được duyệt sẽ gây hao tổn ngân sách nhà nước?

Nhiều người cho rằng, nếu xã hội hóa Trường KTKT theo đề án được duyệt thì ước tính tỉnh Long An phải hao tổn khoảng 20 tỷ đồng để cấp bù cho nhà đầu tư để tiếp tục đào tạo cho đến khi số học sinh đang học trình độ trung cấp tại trường kết thúc khóa học.

Chưa nêu được những hạn chế

Theo hồ sơ, trên cơ sở Đề án số 195/ĐA-SLĐTBXH về xã hội hóa (ĐA XHH) Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An (Trường KTKT) do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An (Sở LĐTBXH) lập vào ngày 19/2/2019, ngày 20/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã ký Quyết định số 1743/QĐ- UBND, Quyết định về việc phê duyệt Đề án xã hội hóa Trường KTKT.

Ngày 20/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã ký Quyết định số 1743/QĐ- UBND, Quyết định về việc phê duyệt Đề án xã hội hóa Trường KTKT.

Mặc dù ĐA XHH nói trên đã được ông Trần Văn Cần – Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký phê duyệt như vậy, nhưng đại diện tập thể viên chức và người lao động của Trường KTKT vẫn cho rằng đề án còn rất sơ sài. Cụ thể, đề án chỉ có vỏn vẹn 11 trang về nội dung. Trong đó, phần sự cần thiết cho việc xã hội hóa Trường KTKT chỉ chưa đầy 20 dòng, chưa thấy được sự cấp thiết phải XHH Trường KTKT cũng như không thấy nội dung nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học về Trường KTKT.

Hơn thế nữa, dù Trường KTKT là đối tượng chịu tác động trực tiếp của ĐA XHH này nhưng trong quá trình lập đề án, Sở LĐTBXH lại không lấy ý kiến của tập thể nhà trường dẫn đến đề án đã được phê duyệt không nêu ra những hạn chế khi xã hội hóa Trường KTKT vào thời điểm này. Trong khi đó, theo đại diện tập thể viên chức và người lao động của Trường KTKT, nếu xã hội hóa Trường vào thời gian này thì sẽ có rất nhiều hạn chế.

Hạn chế đầu tiên là các giáo viên – công nhân viên nhà trường qua quá trình công tác đều có nhà cửa và chỗ học hành cho con cái ổn định gần trường nên khi xã hội hóa, giải thể trường thì cuộc sống của họ sẽ bị thay đổi, gặp nhiều khó khăn nếu phải chuyển công tác về Trường Cao đẳng nghề Long An.

Văn bản của Trường KTKT trả lời các câu hỏi mà Báo đặt ra.

Mặt khác, hiện tại khu vực huyện Bến Lức chỉ có 1 sơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập là Trường KTKT để đáp ứng của nhu cầu nhân dân huyện Bến Lức, Cần Đước và một phần huyện Tân Trụ về đào tạo nghề trung cấp. Đáng chú ý, nói riêng về sơ cấp nghề thì Trường KTKT là đơn vị đào tạo lái xe công lập duy nhất của tỉnh Long An. Cho nên, việc chuyển giao trường này thành cơ sở GDNN ngoài công lập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân, đặc biệt nhân dân lao động nghèo mất cơ hội tiếp cận quyền lợi về GDNN công lập trong thời gian 50 năm, ảnh hưởng an sinh xã hội diện rộng về không gian và lâu dài về thời gian.

“Ngoài ra, việc xã hội hóa Trường KTKT vào thời điểm này sẽ khiến trường không thực hiện được các thỏa thuận với hơn 50 doanh nghiệp đã ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Đây là thiệt hại về uy tín của nhà trường, ảnh hưởng toàn bộ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của tỉnh khi làm mất lòng tin của doanh nghiệp, trong khi tỉnh Long An lại thuộc Vùng kinh tế trọng điểm nên nhu cầu đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo rất cao”, đại diện tập thể viên chức và người lao động của Trường KTKT nhận định.

Chưa hết, đại diện này còn cho rằng việc xã hội hóa Trường KTKT theo đề án đã được phê duyệt sẽ khiến nhân dân sụt giảm niềm tin vào hệ thống giáo dục, nhất là khi 1 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động hiệu quả bị giải thể, giao tài sản cho tư nhân.

Có nguy cơ gây thiệt hại ngân sách nhà nước?

Theo ghi nhận, khoản 3, mục IV về nhiệm vụ, giải pháp đối với người học trong ĐA XHH Trường KTKT số 195/ĐA-SLĐTBXH do Sở LĐTBXH lập (đã được Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký quyết định phê duyệt) có nêu rõ: “Đối với học sinh đang học trình độ trung cấp tại trường, đề nghị tỉnh tiếp tục cấp bù học phí và chi phí đào tạo cho nhà đầu tư để tiếp tục đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học”.

Đề án số 195/ĐA-SLĐTBXH về xã hội hóa Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An lập vào ngày 19/2/2019.

Liên quan đến chi phí đào tạo, đại diện tập thể viên chức và người lao động của Trường KTKT cho biết, mức chi phí đào tạo bình quân cho 1 học sinh, sinh viên ở trình độ trung cấp học tại Trường KTKT là 14.400.000 đồng/1 học sinh/1 năm học. Đồng thời, năm 2019, Trường KTKT có tổng số học sinh là 555 học sinh, với tổng mức phí chi phí đào tạo là 7.992.000.000 đồng.

Trên cơ sở đó, đại diện này cho rằng, nếu xã hội hóa Trường KTKT theo đề án được duyệt thì số tiền mà tỉnh Long An phải tiếp tục cấp bù học phí và chi phí đào tạo cho nhà đầu tư để tiếp tục đào tạo cho đến khi số học sinh nói trên kết thúc khóa học (dự kiến vào năm 2021) ước tính khoảng 20 tỷ đồng.

Đề án số 195 nêu rõ: “Đối với học sinh đang học trình độ trung cấp tại trường, đề nghị tỉnh tiếp tục cấp bù học phí và chi phí đào tạo cho nhà đầu tư để tiếp tục đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học”.

Còn tại khoản 4, mục IV, đề án này cũng có nêu: “Nhiệm vụ của nhà đầu tư là xác định rõ thời điểm bắt đầu có lợi nhuận để thực hiện chi trả lợi nhuận cho Nhà nước…”. Tuy nhiên, trong đề án lại không thấy đề cập đến thời điểm nhà đầu tư bắt đầu có lợi nhuận cụ thể là thời điểm nào.

Điều này khiến nhiều người lo ngại ngân sách nhà nước có nguy cơ bị thất thu khi xã hội hóa Trường KTKT theo phương án 1 nêu trong đề án là Nhà nước sẽ cho nhà đầu tư thuê toàn bộ cơ sở vật chất trong thời gian 50 năm. Bởi lẽ, giả thiết đặt ra là nếu sau nhiều năm thực hiện mà nhà đầu tư vẫn không có lợi nhuận thì Nhà nước sẽ không được chi trả lợi nhuận trong suốt thời gian đó? Trong khi đó, cơ sở vật chất hiện hữu của Trường KTKT lại có giá trị “khủng” gồm đất có diện tích gần 48.000m2 và tài sản trên đất (văn phòng, các khối lý thuyết, thực hành, ký túc xá…), cùng các trang thiết bị được đầu tư qua nhiều giai đoạn khác nhau từ nhiều nguồn khác nhau.

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ Thuật Long An nhìn từ trên cao.

Chưa hết, ĐA XHH Trường KTKT số 195/ĐA-SLĐTBXH cũng cho thấy, phạm vi xã hội hóa là xã hội hóa có thời hạn toàn bộ cơ sở vật chất của Trường KTKT, giao cho nhà đầu tư vận hành; trừ chức năng đạo nghề Lái xe và các phương tiện, trang thiết bị liên quan đến nghề Lái xe của trường. Theo đó, khi xã hội hóa Trường KTKT sẽ chuyển chức năng đào tạo nghề Lái xe và các phương tiện, trang thiết bị liên quan đến nghề Lái xe giao cho Trường Cao đẳng nghề Long An quản lý, thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện tập thể viên chức và người lao động của Trường KTKT, ĐA XHH chưa nói rõ về qui mô đào tạo, cũng như lưu lượng đào tạo như thế nào đối với ngành lái xe khi chuyển về Trường Cao đẳng nghề Long An. Điều này có thể là nguồn cơn dẫn đến những rắc rối, vướng mắc về sau.

Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Thanh Vĩnh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-an-duoc-duyet-se-gay-hao-ton-ngan-sach-nha-nuoc-post71165.html