Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ: 'Quý hồ tinh bất quý hồ đa'

Nhìn nhận về đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ trong giai đoạn 2018-2025 tầm nhìn 2030, PGS.TS Phạm Bích San (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển) cho rằng, trước hết nên đặt vấn đề, hiện nay chúng ta có bao nhiêu nghìn TS? Bao nhiêu người đang công tác trực tiếp trong các trường ĐH, tham gia giảng dạy? Bộ GD&ĐTđã đánh giá được những tiến sĩ này thực hiện chức năng của mình ra sao, công việc của họ có đóng góp vào nền kinh tế quốc dân ở mức độ nào vì trên thực tế nhiều phát minh, sáng kiến nhỏ do những người nông dân phát minh ra.

Việc đào tạo tiến sĩ cần tiến hành thận trọng.

Trong khi đó, GS.TS Phạm Tất Dong- phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trên thực tế, Bộ GD&ĐT cần đưa ra thống kê từ nay đến năm 2025, 2030 mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cần bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ. Nên tổng thể 9.000 tiến sĩ tưởng như nhiều nhưng có thể vẫn thiếu ở một số ngành…

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã khẳng định sẽ tập trung vào chất lượng chứ không phải số lượng khi thực hiện Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ (TS), nhưng nhiều ý kiến cho rằng trước hết Bộ nên xác định, thanh lọc lại chất lượng các TS mà ngành giáo dục đang có trước khi tiến hành đào tạo mới. Đối với những TS đào tạo mới, cần áp dụng những chuẩn nghiêm ngặt về đầu ra như thế giới đang làm...

Không nên “áp” chỉ tiêu cứng?

Nhìn nhận về đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 TS trong giai đoạn 2018-2025 tầm nhìn 2030, PGS.TS Phạm Bích San (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển) cho rằng, trước hết nên đặt vấn đề, hiện nay chúng ta có bao nhiêu nghìn TS? Bao nhiêu người đang công tác trực tiếp trong các trường ĐH, tham gia giảng dạy? Bộ đã đánh giá được những TS này thực hiện chức năng của mình ra sao, công việc của họ có đóng góp vào nền kinh tế quốc dân ở mức độ nào vì trên thực tế nhiều phát minh, sáng kiến nhỏ do những người nông dân phát minh ra. Thứ hai, nền giáo dục của chúng ta hiện còn rất nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống giáo viên đang công tác cũng như đã nghỉ hưu còn rất nhiều thiệt thòi. Vì vậy, khi đưa ra một đề án mới hàng nghìn tỷ đồng cần thận trọng cân nhắc.

“Quan điểm của tôi trước hết vẫn là cần thanh lọc lại, xác định lại TS là ai, chất lượng đạt chuẩn hay không, tiếp sau đó mới đặt bài toán đào tạo tiếp như thế nào, bao nhiêu” - PGS TS Phạm Bích San nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, GS TS Phạm Tất Dong - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam chỉ ra rằng, trên thực tế, Bộ GD&ĐT không đưa ra thống kê từ nay đến năm 2025, 2030 mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cần bao nhiêu TS, thạc sĩ. Nên tổng thể 9.000 TS tưởng như nhiều nhưng có thể vẫn thiếu ở một số ngành. Thứ hai, nhiều TS có qua đào tạo nhưng trình độ thực chất không đúng TS, làm các công việc được đào tạo không đúng tầm của một TS, nghĩa là đào tạo xong nhưng không dùng được hoặc dùng không đúng vị trí như chuyển sang làm quản lý, không tham gia giảng dạy thì có phải là một sự lãng phí?

Theo một thống kê, hiện cả nước 24.300 TS, trong đó chỉ có 16.500 TS đang làm việc, kể cả công việc quản lý trong các cơ sở giáo ĐH. Như vậy, rõ ràng không phải tất cả các TS sau khi được đào tạo xong đều tham gia giảng dạy tại các trường ĐH. Như vậy, mục tiêu đào tạo giảng viên trình độ TS đạt tỷ lệ 35% như Bộ GD&ĐT đặt ra sẽ khó trở thành hiện thực nếu không thực hiện tốt khâu hậu đào tạo.

Theo PGS TS Phạm Bích San, thường trên thế giới và cả trong khu vực, các nước không đặt mục tiêu cụ thể phải có bao nhiêu TS trong một khoảng thời gian mà thường là định hướng. Ví dụ, để phát triển ngành này thì cần có những chuyên gia cao cấp, và cần một số lượng nhất định các chuyên gia là bao nhiêu nhưng không vì thế mà lập kế hoạch mỗi năm đào tạo được bao nhiêu TS. Bởi đào tạo TS ngoài năng lực cá nhân ra còn có hướng nghiên cứu nữa. Không phải nghiên cứu nào cũng ra được kết quả, thậm chí thực tế có những nghiên cứu cả đời không ra được kết quả. Hoặc thời gian đào tạo TS cũng phụ thuộc vào các chương trình khác nhau, các cá nhân khác nhau, khó có thể “nói trước” được.

Siết đầu ra đào tạo tiến sĩ

Trả lời về vấn đề kiểm soát chất lượng đào tạo TS, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Bộ đã ban hành quy chế đào tạo TS với yêu cầu cao hơn (chẳng hạn phải có thời gian học tập trung, có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế…) và đang siết chặt việc này thông qua việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận của đề án này là Nhà nước định hướng và hỗ trợ chứ không làm thay. Còn các cơ sở giáo dục đào tạo và bản thân người đi học phải có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng. Nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu thì sẽ được Nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, có thể một phần. Như vậy sẽ mở rộng đối tượng ra tất cả mọi người đều có thể tham gia, cũng không phân biệt công lập hay tư thục.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế đào tạo TS trong nước hiện nay có thể thấy vẫn còn có những “lỗ hổng”. Bộ GD&ĐT không thể nắm được hoạt động của tất cả các viện, các trường trong đó, Bộ có thể quy định cụ thể một giáo sư được hướng dẫn bằng này, nhưng Bộ không kiểm tra được thực tế họ hướng dẫn bao nhiêu. Bộ nắm con số tổng chỉ tiêu đào tạo TS nhưng không nắm được những ai là người đào tạo ra số này.

Vẫn theo ông Dong, việc Bộ GD&ĐT quy định sẽ thẩm định (xác suất) lại 10% luận án chưa đủ để khẳng định được chất lượng của từng đề tài.

Đó là thực trạng đào tạo TS trong nước. Còn đào tạo TS tại nước ngoài, thực tế cho thấy vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều trường hợp đi học TS ở nước ngoài về nhưng bằng đó lại không được Bộ GD&ĐT công nhận. Vậy với đề án 9.000 TS này, có quy định cụ thể như thế nào về nơi đào tạo, bằng cấp được công nhận hay vẫn thả nổi?

Soi chiếu với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, PGS TS Phạm Bích San cho rằng, TS dù được đào tạo trong hay ngoài nước, theo hình thức nào cũng cần phải đúng chuẩn. Bởi nếu một người TS làm không đúng chuẩn thì không làm ra kết quả cần thiết. Vậy đúng chuẩn là thế nào? “Như trên thế giới, làm TS xong phải có 2 công trình được công bố trên các tạp chí có chỉ báo ISI hoặc Scopus để cộng đồng khoa học trên thế giới được biết, được đánh giá về công trình này có đạt chuẩn hay không. Nếu không làm được hoặc đăng lên rồi mà người ta đánh giá là sai thì đương nhiên người đó không phải là TS”- ông San nhấn mạnh.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/de-an-dao-tao-9000-tien-si-quy-ho-tinh-bat-quy-ho-da-386463