Đề án cải cách tiền lương: Xác định lương khu vực công theo vị trí việc làm

Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII diễn ra từ ngày 7-5, Trung ương sẽ bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề cải cách chính sách tiền lương.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Đề án cải cách tiền lương xác định tiền lương là thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình, đặt ra mục tiêu thực hiện chế độ tiền lương mới ở khu vực công từ năm 2021, xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực DN.

Với khu vực công, Đề án xác định với những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp) thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.

Cơ cấu tiền lương và tiền thưởng sẽ được thiết kế theo hướng mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương thay vì như hiện nay tại một số cơ quan, tổ chức các khoản phụ cấp gần ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cả tiền lương, làm sai lệch bản chất của tiền lương. Ngoài ra Đề án cũng thiết kế hạng mục tiền thưởng, bằng khoảng 10% tổng quỹ lương lấy từ nguồn tiết kiệm chi, tăng thu để trao cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trao cho người lao động giỏi.

Theo Đề án, DN (kể cả DN 100% vốn Nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương. ẢNH TƯ LIỆU

Theo Đề án, DN (kể cả DN 100% vốn Nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương. ẢNH TƯ LIỆU

Nhà nước cũng ban hành hệ thống bảng lương mới, quy định bằng số tiền tuyệt đối (thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, gồm 3 bảng lương như sau:

Một là bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Hai là bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, để khuyến khích người lao động tập trung làm chuyên môn.

Ba là bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Trong đó chia ra bảng lương dành cho sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ CA (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật CA và bảng lương của công nhân quốc phòng, công nhân CA.

Đề án cũng cho phép người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng đối với một số tỉnh, TP ở vùng động lực được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần.

Đối với cải cách lương trong khối DN, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng, bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ. DN (kể cả DN 100% vốn Nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của DN.

Đồng thời, tách bạch tiền lương của người đại diện vốn Nhà nước với tiền lương của ban điều hành, thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương.

Theo Đề án, từ năm 2018, hàng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương. Khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách để có nguồn chi trả lương thu hút nhân tài, động viên người lao động giỏi.

Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hàng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020 và bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

Tính từ tháng 12-1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần, từ 120.000 đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,83 lần và từ 1-7-2018 mức lương cơ sở tiếp tục tăng thêm 90.000 đồng/tháng). Trong khi đó, lương tối thiểu vùng đối với khu vực DN được điều chỉnh tăng cao hơn theo định hướng chỉ đạo của Trung ương; từ ngày 1-1-2018 ở mức 2,76-3,98 triệu đồng/tháng tùy theo địa bàn.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/de-an-cai-cach-tien-luong-xac-dinh-luong-khu-vuc-cong-theo-vi-tri-viec-lam-114955.html