Đề án 43: Tiếp sức cho phong trào phụ nữ

Ngày 30-9-2016, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 43-KL/TU về Đề án Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và phát huy vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Đề án 43).

Nữ công nhân lao động luôn là một trong những đối tượng mà các cấp Hội sẽ tập trung tập hợp vào tổ chức Hội trong năm 2020. Trong ảnh: Nữ công nhân Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata) trong giờ làm việc

Nữ công nhân lao động luôn là một trong những đối tượng mà các cấp Hội sẽ tập trung tập hợp vào tổ chức Hội trong năm 2020. Trong ảnh: Nữ công nhân Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata) trong giờ làm việc

Từ khi có Đề án 43, phong trào phụ nữ trong tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của các ngành, các cấp, góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển và ngày càng đi vào thực chất.

* Cùng vào cuộc

Theo Kết luận 43 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đảng đoàn, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh là cơ quan thường trực của đề án phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai thực hiện đề án, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án.

Bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, ngay từ khi có Kết luận 43, Tỉnh hội đã xây dựng kế hoạch theo từng giai đoạn, từng năm, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện để các cấp Hội tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, chọn một số đơn vị đặc thù thực hiện điểm theo từng nhóm phụ nữ, Tỉnh hội cũng đã có chỉ đạo các huyện, thành hội bám sát tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai trong các cấp Hội ở địa phương.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Ngọc Loan cho biết, để thực hiện những chỉ tiêu của đề án đặt ra trong năm 2020, các cấp Hội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp vận động, tập hợp các nhóm phụ nữ theo đề án, thành lập các chi, tổ, CLB phụ nữ theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các chi, tổ, CLB phụ nữ đã có. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện đề án, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp với các nhóm phụ nữ...

Bên cạnh đó, Kết luận 43 của Tỉnh ủy cũng nêu rõ, các cấp ủy trực thuộc căn cứ vào chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đề án đối với từng nhóm phụ nữ để xây dựng kế hoạch, đưa vào nghị quyết, chương trình công tác hằng năm để chỉ đạo thực hiện ở địa phương, đơn vị mình.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ hệ thống Hội và cấp ủy địa phương, Đề án 43 nhanh chóng được các cấp Hội cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Bà Lê Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội LHPN H.Trảng Bom cho biết, sau khi Huyện ủy giao cho Hội LHPN chủ trì thực hiện đề án, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo trong các cấp Hội cơ sở tiến hành rà soát, thống kê số phụ nữ có mặt trên địa bàn, trong đó tập trung vào đối tượng phụ nữ công nhân đang sinh sống tại các khu nhà trọ.

Song song đó, Huyện hội cũng xây dựng kế hoạch, chủ động xây dựng tờ trình về kinh phí thực hiện đề án và tuyển chọn cộng tác viên thực hiện đề án. Chỉ trong một thời gian ngắn, H.Trảng Bom đã hợp đồng được 2 cộng tác viên cấp huyện và 11 cộng tác viên cấp xã, thường xuyên phối hợp với các cơ sở Hội tiến hành vận động thành lập các tổ phụ nữ công nhân nhà trọ, tổ phụ nữ tôn giáo...

Không chỉ phân công nhiệm vụ cho cấp ủy trực thuộc từ tỉnh đến cơ sở và Hội LHPN tỉnh mà thực hiện Đề án 43 còn có sự tham gia của các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hội LHPN tỉnh có vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện và thụ hưởng Đề án 43.

Bà Lê Thị Ngọc Loan cho rằng hầu hết các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã có sự vào cuộc tích cực. Chẳng hạn như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các ngành, Hội LHPN tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, của Đảng; vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và truyền thống đấu tranh bất khuất, anh hùng của các thế hệ phụ nữ Đồng Nai cho hội viên và phụ nữ sinh hoạt, tìm hiểu...

Hay như Sở LĐ-TBXH hằng năm đã chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nhất là các chính sách liên quan đến người lao động, các chính sách ưu tiên cho lao động nữ. Sở Công thương 2 năm trở lại đây cũng đã phối hợp với Hội LHPN tổ chức gặp gỡ nữ tiểu thương để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho nữ tiểu thương. Qua đó, trang bị thêm cho nữ tiểu thương kiến thức về kinh doanh; vận động nữ tiểu thương đăng ký không vi phạm pháp luật trong kinh doanh...

* Thêm nguồn lực con người và kinh phí

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Ngọc Loan cho hay, từ khi có Đề án 43, công tác Hội và phong trào phụ nữ trong tỉnh như được tiếp thêm sức mạnh. Kể từ khi có đề án, ngoài số lượng biên chế, tổ chức Hội các cấp đã được hợp đồng thêm cộng tác viên tăng cường cho tổ chức Hội ở các huyện, thành phố và Hội cơ sở. Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 66 cộng tác viên ký hợp đồng (trong đó có 15 cộng tác viên cấp huyện và 51 cộng tác viên cấp cơ sở).

Đại diện Hội LHPN P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) thăm hỏi, nắm bắt tình hình hội viên phụ nữ tiểu thương

Với sự góp sức của đội ngũ cộng tác viên đề án, công tác rà soát, nắm bắt số lượng phụ nữ trong tỉnh chính xác hơn, từ đây giúp cho tổ chức Hội các cấp có thể đánh giá tỷ lệ tập hợp phụ nữ vào tổ chức Hội thực chất, các cấp Hội đề ra các hoạt động sát với thực lực hội viên phụ nữ hiện có.

Cũng nhờ có đội ngũ cộng tác viên đề án, nhiều chi, tổ hội, CLB phụ nữ đã được thành lập góp phần tập hợp phụ nữ vào tổ chức Hội. Toàn tỉnh hiện có 83 chi hội, 417 tổ phụ nữ và 82 CLB phụ nữ với trên 30 ngàn thành viên là phụ nữ thuộc các nhóm phụ nữ công nhân nhà trọ; cán bộ, công chức, viên chức, trí thức; tôn giáo; dân tộc; địa bàn dân cư; doanh nhân, tiểu thương.

Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN H.Thống Nhất cho biết, có thêm cộng tác viên, việc tham dự sinh hoạt với các chi, tổ, CLB phụ nữ Đề án 43 thường xuyên hơn. Thông qua việc tham dự sinh hoạt, các vấn đề mà hội viên phụ nữ phản ánh đều được cộng tác viên báo cáo và Huyện Hội có thể kịp thời xử lý. Cũng thông qua các buổi sinh hoạt của các chi, tổ, CLB phụ nữ Đề án 43, các cấp Hội có thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho hội viên phụ nữ bằng nhiều hình thức, như: nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thi, hội nghị, tọa đàm, tư vấn pháp luật...

Không chỉ tăng thêm nguồn lực con người, từ khi có đề án, các chi, tổ, CLB phụ nữ thuộc Đề án 43 còn được hỗ trợ kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các chi, tổ, CLB phụ nữ duy trì sinh hoạt, tổ chức các hoạt động thuận lợi hơn.

Bà Nguyễn Thị Hường, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.3 (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ, Chi hội KP.3 hiện có 21 tổ phụ nữ, nhưng chỉ có 2 tổ phụ nữ công nhân nhà trọ theo Đề án 43. So với 19 tổ phụ nữ còn lại, 2 tổ phụ nữ công nhân nhà trọ mỗi khi tổ chức sinh hoạt thuận lợi hơn rất nhiều, chị em hội viên khi tham gia sinh hoạt ở tổ phụ nữ công nhân nhà trọ cũng phấn khởi hơn.

Bà Nguyễn Thị Thủy, hội viên đang sinh hoạt tại tổ phụ nữ khu nhà trọ số 16, KP.3 bộc bạch: “Trước đây đi làm về tôi chỉ biết loanh quanh với công việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa và xem tivi, rất ít khi trò chuyện với ai, kể cả là những chị em trong khu trọ. Cách đây 2-3 năm, khu nhà trọ nơi tôi ở thành lập Tổ phụ nữ công nhân nhà trọ. Từ khi tham gia Tổ phụ nữ công nhân nhà trọ, tôi có thêm cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với chị em phụ nữ khác khiến tôi cảm thấy cuộc sống công nhân đỡ nhàm chán hơn”.

Gần đây, sau khi phát hiện bản thân mình mắc trọng bệnh, tinh thần bà Thủy suy sụp. Nhờ có sự gần gũi, quan tâm, động viên của chị em trong tổ, bà Thủy lạc quan hơn, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật theo phác đồ điều trị của bệnh viện. Đặc biệt, từ trường hợp của bà Thủy, nhiều chị em hội viên trong tổ được củng cố thêm niềm tin và coi tổ chức Hội như là điểm tựa tinh thần mỗi khi gặp khó khăn.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202004/de-an-43-tiep-suc-cho-phong-trao-phu-nu-2998082/