Đề án 24 không ổn!

Vụ kiện Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn Vinasun, bị đơn Grab tạm khép lại bằng việc TAND TP HCM tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 4,85 tỉ đồng, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành siết lại hoạt động của Grab như là một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải.

Sở dĩ có vụ kiện này là xuất phát từ Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" (gọi tắt là Đề án 24). Ngay trước khi Bộ GTVT ban hành đề án này, các DN kinh doanh taxi, hiệp hội taxi các miền (Bắc, Trung, Nam), chính quyền các địa phương được dự kiến thí điểm đã lên tiếng khuyến cáo về những tác hại có thể xảy ra.

Dù vậy, Bộ GTVT vẫn quyết tâm cho ra đời Đề án 24. Kết quả của đề án thì ai cũng đã thấy, lợi thì ít mà hệ lụy thì quá nhiều.

Tại phiên tòa xét xử vụ án Vinasun - Grab, hàng loạt bất cập của Grab khi tham gia thực hiện thí điểm Đề án 24 đã được HĐXX kết luận. Theo TAND TP HCM, Grab không chỉ vi phạm Nghị định 86, Thông tư 63, Đề án 24 mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, thương mại điện tử và liên quan các vấn đề an sinh xã hội như BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT... Khoảng 175.000 lao động là lái xe chạy cho Grab không được hưởng các loại bảo hiểm này. Theo tính toán của tòa, mỗi năm BHXH có thể bị thất thu đến 2.800 tỉ đồng. Tính từ năm 2016 đến nay, các khoản bảo hiểm không được nộp lên đến hơn 8.400 tỉ đồng. Đáng nói là những vấn đề đó diễn ra công khai, suốt trong 2 năm thí điểm và kéo dài cho đến nay. Các bộ - ngành hữu quan biết hết nhưng lạ ở chỗ là không có động thái nào để chấn chỉnh, làm cho các hiệp hội taxi, các DN taxi truyền thống phản ứng dữ dội. Một chính sách ban hành nhưng trước và trong thời gian thực thi đã bộc lộ quá nhiều sai sót, tạo kẽ hở cho DN lách luật, qua đó cho thấy chính sách này không ổn. Thế nhưng, thay vì phải nhanh chóng chấn chỉnh thì lại cho tiếp tục kéo dài thời hạn thí điểm Đề án 24 cho đến khi Nghị định 86 quy định về kinh doanh vận tải được sửa đổi xong. Việc kéo dài đến lúc nào thì không ai biết trước được, còn ai được hưởng lợi thì cứ tiếp tục hưởng lợi.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 cũng do chính Bộ GTVT chủ trì soạn thảo. Chẳng hiểu vì sao được sửa đến lần thứ 6 mà vẫn chưa xong, trong đó cứ loay hoay với phương án xác định các DN như Grab là kinh doanh taxi hay công nghệ, trong khi các bộ, ngành và cả người đứng đầu ngành GTVT đều cho rằng cần phải xác định bản chất của Grab là taxi. Phải chăng năng lực soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có vấn đề hay là cố tình kéo dài vì mục đích nào đó?

Mục tiêu xây dựng chính sách là để thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện cho các DN có một môi trường kinh doanh công bằng, sòng phẳng và minh bạch. Đề án 24 ngay từ đầu đã không đáp ứng được mục tiêu này mà còn tác dụng ngược thì không thể coi là một chính sách tốt.

Một chính sách không ổn nhưng cho kéo dài quá lâu rõ ràng là không bình thường!

Khánh Tuệ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/de-an-24-khong-on-20181229222751105.htm