Đề án 196 - Quảng Ninh khẳng định cách làm riêng biệt - Bài 3: Nỗ lực để đạt thành công kép

Theo mục tiêu đề ra, Đề án 196 thực hiện trong 4 năm, đến hết ngày 31/12/2020, Quảng Ninh không còn xã, thôn ĐBKK; hoàn thành Chương trình 135. Nhưng theo kết quả thực tế, chỉ hết năm 2019, các xã, thôn sẽ đủ điều kiện để ra khỏi diện ĐBKK. Niềm vui còn nhân đôi khi nhiều xã không những thoát 135 mà còn về đích xây dựng nông thôn mới. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Niềm vui của ông Chíu Chăn Thống (bản Lý Quáng, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) khi được Nhà nước đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến tận nhà.

Niềm vui của ông Chíu Chăn Thống (bản Lý Quáng, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) khi được Nhà nước đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến tận nhà.

Sáng tạo, linh hoạt trong cách làm

Để có nguồn lực thực hiện Đề án 196, Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Bên cạnh nguồn ngân sách tỉnh, khi triển khai Đề án, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã có thư kêu gọi tham gia ủng hộ các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh. Đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, bằng nhiều cách làm khác nhau, tích cực huy động các nguồn lực xã hội nhằm sẻ chia, giúp đỡ các xã khó khăn. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, trực tiếp liên hệ, vận động doanh nghiệp, doanh nhân và một số tập đoàn, tổng công ty, tổ chức kinh tế đang đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh có hình thức đăng ký, tham gia ủng hộ cụ thể đối với các xã, thôn ĐBKK; chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí của tỉnh tăng cường tuyên truyền về việc kêu gọi ủng hộ các xã, thôn ĐBKK.

Trong quá trình thực hiện, cách tuyên truyền, nhân rộng nhân tố điển hình được coi trọng, đặc biệt là việc khen thưởng hộ thoát nghèo, xã, thôn thoát khỏi diện ĐBKK. Năm 2017, lần đầu tiên Quảng Ninh tổ chức tuyên dương, khen thưởng các hộ gia đình thoát nghèo tiêu biểu. Là một trong 47 hộ được UBND tỉnh tuyên dương hộ thoát nghèo tiêu biểu, anh Nịnh A Phúc (thôn Ngàn Kheo, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu), chia sẻ: "Được sự hỗ trợ của Nhà nước cho vay vốn, định hướng phát triển kinh tế, được ghi nhận, biểu dương tôi rất phấn khởi, sẽ tiếp thêm động lực để gia đình không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên trở thành hộ khá, giàu".

Tháng 8/2018, UBND huyện Ba Chẽ tổ chức hội nghị biểu dương 104 gia đình tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo năm 2018 và không tái nghèo trong những năm tiếp theo. Anh Đặng Coóng Si (thôn Làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) chia sẻ: “Năm 2018, tôi quyết tâm viết đơn xin thoát nghèo. Được tỉnh hỗ trợ 25 triệu đồng, gia đình vay mượn thêm xây được ngôi nhà khang trang. An cư rồi, vợ chồng tôi sẽ tập trung làm ăn, quyết không để tái nghèo”.

Đa dạng hóa nguồn vốn bằng cách lồng ghép các nguồn lực là một trong các giải pháp để Quảng Ninh dồn lực cho các xã 135. Trong ảnh: Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu giải ngân vốn vay cho các hộ nghèo trên địa bàn.

Nhiều hộ thoát nghèo sẽ giúp thôn thoát nghèo; nhiều thôn thoát nghèo góp phần giúp xã thoát ĐBKK. Điển hình là xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ), một trong 3 xã của tỉnh hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK vào năm 2018. Để có được kết quả này, xã đã sử dụng hiệu quả vốn Đề án 196, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường nội thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2018, xã đã về đích xây dựng nông thôn mới.

Niềm vui nhân đôi

Thoát diện ĐBKK là nhiệm vụ bước đầu. Đích vươn tới của các xã, thôn là nâng cao thu nhập cho người dân, thoát nghèo bền vững; tạo đà tiến tới xây dựng nông thôn mới. Húc Động là một trong những xã như thế.

Với mục tiêu phấn đấu ra khỏi diện 135, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, xã Húc Động (huyện Bình Liêu) đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo. Trong đó, tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, khuyến khích các hộ tham gia phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đặc biệt, xã đã lồng ghép hiệu quả các nguồn lực từ chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Đề án 196... để đầu tư các công trình hạ tầng. Qua đó, xây dựng được 13 công trình đường giao thông nội thôn, nội đồng, 1 nhà văn hóa, 3 tuyến đập mương. Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành, phát huy hiệu quả. Xã đang tiếp tục nỗ lực để cuối năm nay hoàn thành mục tiêu “hai trong một” đã đề ra.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Khi triển khai Đề án 196, các công trình hạ tầng ở các thôn, xã đều được rà soát kỹ lưỡng để đầu tư đáp ứng phù hợp với cả tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do đó, khi hoàn thành Đề án 196, Chương trình 135, các xã sẽ có nền tảng, cơ sở để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân được đầu tư, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực ĐBKK. Trong ảnh: Học sinh điểm trường Phai Lầu, Trường Mầm non Đồng Văn (huyện Bình Liêu) vui chơi trong khuôn viên trường.

Thực tế, một số xã hoàn thành Chương trình 135 và chỉ cần “lấp đầy” một số tiêu chí, chỉ tiêu là có thể hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Điển hình như xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ), sắp tới là xã Húc Động (huyện Bình Liêu)... Xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) khi thực hiện tiêu chí trường chuẩn quốc gia đã đề nghị đầu tư xây dựng một số hạng mục của Trường PTDT bán trú THCS và Trường Tiểu học Quảng Sơn theo tiêu chí của nông thôn mới để chuẩn bị điều kiện về đích nông thôn mới. Mới đây, UBND tỉnh đã có thông báo giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án tiếp tục hỗ trợ các thôn vừa thoát khỏi diện ĐBKK hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Đề án 196 là cách làm riêng của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình 135 đối với địa bàn các xã, thôn ĐBKK. Quá trình triển khai, tỉnh luôn xác định và quán triệt quan điểm Đề án không phải trách nhiệm, nhiệm vụ của riêng một sở, ngành, địa phương nào, mà là sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Sau hơn 3 năm triển khai Đề án đã đạt được những kết quả tích cực. Các địa phương đã thể hiện quyết tâm cao, phấn đấu đưa xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK sớm hơn lộ trình được phê duyệt và cao hơn chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh; người dân có sự chuyển biến lớn về nhận thức, đồng thuận, tích cực, chủ động tham gia thực hiện Đề án, phấn đấu về đích Chương trình 135. Thành công của Đề án 196 cũng là thành công của sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm kéo gần khoảng cách giữa các vùng, miền trong tỉnh, hướng tới xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp hơn. Đặc biệt hơn, Đề án đã thay đổi căn bản nếp tư duy cũ trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Người vùng khó Quảng Ninh đã thấu hiểu, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì con đường thoát nghèo duy nhất là phải vươn lên, "khéo làm thì no, khéo co thì ấm".

Đến Quảng Ninh hôm nay, ở bất kỳ thôn, bản nào đều nhận thấy sự đổi thay rõ nét về hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, cách thức sản xuất. Những bản làng nghèo khó trước kia giờ đã được khoác lên "tấm áo mới" no đủ, giàu đẹp hơn...

Nguyên Ngọc - Hoàng Quý

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/tac-pham-du-thi-giai-bao-chi-bua-liem-vang-2019-de-an-196-quang-ninh-khang-dinh-cach-lam-rieng-biet-bai-3-no-luc-de-dat-thanh-cong-kep-2455693/