Đề án 196 – Quảng Ninh khẳng định cách làm riêng biệt - Bài 2: Nhà nước dồn lực, người dân đồng lòng

Thực hiện Đề án 196, Quảng Ninh đưa ra quan điểm: Cấp tỉnh tập trung hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện; cấp huyện trực tiếp chỉ đạo; cấp xã trực tiếp thực hiện; thôn, bản đoàn kết, đồng lòng; người dân là chủ thể, tích cực sản xuất, chủ động vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.Đề án cũng xác định mức hỗ trợ, đầu tư vượt trội: Mỗi xã cao hơn khoảng 7 lần mức bình quân chung theo cơ chế Chương trình 135 hiện nay của Trung ương. Đặc biệt, Quảng Ninh chủ động ngân sách địa phương và lồng ghép, huy động tổng thể các nguồn lực khác cũng như sự đóng góp của chính người dân các xã, thôn ĐBKK để thực hiện.

Gia đình ông Tằng Văn Quay (thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò để nâng cao thu nhập, đến nay đàn bò đã lên đến 20 con.

Gia đình ông Tằng Văn Quay (thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò để nâng cao thu nhập, đến nay đàn bò đã lên đến 20 con.

Trao “đòn bẩy”, tạo động lực

22 xã, 11 thôn ĐBKK của Quảng Ninh thuộc 8 huyện, thị. Tuy số lượng thôn, xã không nhiều nhưng lại nằm trên địa bàn rộng, ở vùng miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt có nhiều thôn, bản giáp biên giới và có cả thôn, xã bãi ngang vùng ven biển, hải đảo. Vì vậy, để giúp các hộ, thôn, xã thoát diện ĐBKK, Quảng Ninh xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng càng khó càng phải làm thật tốt. Tỉnh xác định “chìa khóa” để giải quyết những cái khó này chính là Đề án 196.

Là một trong những địa phương có số thôn, xã nằm trong diện ĐBKK nhiều nhất tỉnh, nhiều năm qua Bình Liêu – một huyện giáp biên giới vẫn luôn loay hoay với mục tiêu giảm nghèo. Bên cạnh khó khăn về phát triển sản xuất khi các mô hình trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu chỉ dừng lại ở dạng đơn lẻ, huyện còn rất yếu và thiếu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Đây là những rào cản lớn ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của huyện. Với nguồn lực từ Đề án 196, 3 năm qua huyện đã được đầu tư hàng trăm công trình hạ tầng thiết yếu. Chỉ tính riêng năm 2019 này, huyện đã phân bổ gần 138 tỷ đồng để đầu tư 137 dự án, công trình đường giao thông, thủy lợi, nước sạch, nhà văn hóa... cho các xã, thôn ĐBKK. Từ đó mở ra cơ hội phát triển KT-XH cho các thôn, xã và hộ dân. Không chỉ nông nghiệp, lâm nghiệp, với lợi thế địa bàn vùng biên tươi đẹp, nhiều hộ nghèo của huyện đã tham gia vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Hạ tầng điện, đường giao thông được đầu tư, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất . Trong ảnh: Người dân xã Tình Húc (huyện Bình Liêu) thu hoạch lúa mùa.

Thực hiện Đề án 196, giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh đã bố trí gần 1.700 tỷ đồng cho các hợp phần hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng và kinh phí quản lý… để dồn lực cho các xã 135. Trong đó, vốn nguồn từ ngân sách là 1.308 tỷ đồng, bình quân 14 tỷ đồng/xã/năm. Đặc biệt, để “làm dày” thêm nguồn lực, tỉnh cũng tập trung huy động tốt các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; tổ chức các đợt phát động ủng hộ và kêu gọi sự chung tay đóng góp của cộng đồng, người dân.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Nguồn lực từ Đề án 196 là “đòn bẩy” lớn, tạo động lực mạnh mẽ cho chính quyền và người dân các xã 135 thoát khỏi diện ĐBKK. Sự hỗ trợ này đã giải quyết dứt điểm những khó khăn, thiếu thốn về nguồn vốn, đồng thời tiếp sức cho các địa phương thoát nghèo một cách bền vững”.

Trong 3 năm thực hiện Đề án 196, đã có gần 600 công trình điện, đường, trường học, kênh mương thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt... được đầu tư; gần 8.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giống cây, con để phát triển kinh tế. Mỗi công trình hoàn thành đã và đang tạo diện mạo mới cho vùng ĐBKK cũng như tạo động lực để người dân thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất. Đầu năm 2019, hơn 100 hộ dân bản Lý Quáng, xã Quảng Sơn (Hải Hà) đón niềm vui nhân đôi khi vừa có điện lưới và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ông Chíu Chăn Thống, thôn Lồng Coọc, bản Lý Quáng, phấn khởi cho biết: “Người dân bản chúng tôi rất vui mừng, có điện, có nước thì không phải lo lắng nữa, chỉ tập trung nuôi lợn, chăn gà và lên rừng chăm keo để kiếm tiền thôi”.

Khi “vượt khó, thoát nghèo” không còn là khẩu hiệu

Nghị quyết 80 của Chính phủ về định hướng công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu cải thiện công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng ĐBKK. Trên cơ sở đó, Quảng Ninh luôn chú trọng nhiệm vụ này với tinh thần giảm nghèo phải thực chất, bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã từng nhấn mạnh: Với phương châm Nhà nước “không làm thay, làm hộ”, để thoát khỏi diện ĐBKK một cách bền vững thì xã, thôn, người dân phải là người trực tiếp tham gia và gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Do vậy ngân sách cũng sẽ chỉ hỗ trợ khi các địa phương có Đề án, giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân.

Sau hơn 3 năm nỗ lực thoát nghèo, gia đình ông Triệu Quay Trình (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) đã có điều kiện xây ngôi nhà mới.

Nắm rõ chủ trương đó, ngay khi Đề án 196 bắt đầu được triển khai đồng loạt trên khắp các địa phương có xã, thôn ĐBKK, xã Quảng Sơn (Hải Hà) cũng bắt tay vào nhiệm vụ “vượt khó” với tinh thần lấy nội lực, ý chí thoát nghèo làm đầu. Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nhất, ngay từ đầu năm 2017, xã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, đồng thời xây dựng giải pháp, nhiệm vụ để triển khai thực hiện. Theo đó, xã giao cho các thành viên Ban chỉ đạo rà soát từng hộ dân, nắm rõ khó khăn của hộ nghèo, cận nghèo; hệ thống lại toàn bộ công trình hạ tầng trên địa bàn để có phương án đầu tư hợp lý. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, xã ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, trước tiên cho những hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo nhằm xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại ở người dân. Mỗi dự án phát triển sản xuất đều được thẩm định kỹ càng, tính toán các khả năng để đảm bảo đồng vốn được phát huy hiệu quả tối ưu nhất. Với hợp phần đầu tư hạ tầng, xã cũng tập trung đầu tư trước những công trình mang tính thiết yếu, cấp bách như kênh mương thủy lợi, cứng hóa đường nội thôn, xây dựng điểm trường mầm non… Đây cũng là cách làm chung của 22 xã, 11 thôn diện ĐBKK của tỉnh khi thực hiện Đề án 196.

Có được sự hỗ trợ, nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn đầu tư cây, con, chủ động tham gia các mô hình phát triển sản xuất, tích cực trang bị kiến thức, kinh nghiệm để chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, nâng cao thu nhập. Cũng từ đó, phong trào “vượt khó, thoát nghèo” ngày càng được nhân lên, tạo nên khí thế mới cho những thôn, bản ĐBKK. Quan trọng nhất là tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của phần lớn người dân đã dần được xóa bỏ. Không những thế, hàng trăm hộ nghèo ở các thôn, xã ĐBKK đã viết đơn xin tự nguyện thoát nghèo - việc mà từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh chưa từng có.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Chíu Thị Hai, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) nói: “Đầu năm 2018, gia đình tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng để phát triển kinh tế; từ nguồn đó, cộng thêm vay mượn từ người thân, bạn bè hai vợ chồng bàn bạc, mở rộng quy mô trồng cây giống trà hoa vàng. Đến nay, các cây giống đang phát triển tốt, bước đầu đã mang lại thu nhập khá. Mới đây, chỉ bán hơn 20 gốc cây trà hoa vàng, gia đình tôi đã có thu nhập trên 100 triệu đồng”.

Nguyên Ngọc-Hoàng Quý

Bài 3: Nỗ lực để đón “thành công kép”

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/tac-pham-du-thi-giai-bao-chi-bua-liem-vang-2019-de-an-196-quang-ninh-khang-dinh-cach-lam-rieng-biet-bai-2-nha-nuoc-don-luc-nguoi-dan-dong-long-2455606/