Đề án 1816: Góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Hơn 250 bác sĩ và trên 200 kỹ thuật mới, chuyên sâu được các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh Đồng Nai triển khai, tăng cường từ khi thực hiện đề án của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (Đề án 1816).

Sau nhiều năm nhận chuyển giao kỹ thuật, các đơn vị y tế đã được “nâng tầm”, thực hiện nhiều kỹ thuật khó, cứu sống người bệnh. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất mổ một ca xương khớp phức tạp. Ảnh: Bích Nhàn

Sau nhiều năm nhận chuyển giao kỹ thuật, các đơn vị y tế đã được “nâng tầm”, thực hiện nhiều kỹ thuật khó, cứu sống người bệnh. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất mổ một ca xương khớp phức tạp. Ảnh: Bích Nhàn

Nhờ đề án này, số bệnh nhân chuyển viện giảm theo từng năm và người bệnh được khám, chữa bệnh gần nhà, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình triển khai Đề án 1816 vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, cần được khắc phục để mở rộng và nâng cao hiệu quả đề án.

* Nâng tầm chuyên môn

Muốn phát triển được Đề án 1816, các đơn vị nhất định phải có nhân lực để nhận chuyển giao các kỹ thuật của tuyến trên, tránh tình trạng để các bác sĩ tuyến trên làm hết việc khi đến chuyển giao. Hiện nay, ngoài số tiền 150 triệu đồng mà UBND tỉnh dành thu hút bác sĩ từ tỉnh khác về làm việc, các đơn vị đều có quỹ thu hút riêng, khoảng 50-70 triệu đồng/ đơn vị. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thực sự hấp dẫn với các bác sĩ vì nhiều địa phương trên cả nước cũng đang trong tình cảnh thiếu bác sĩ.

Tháng 8-2019, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Trảng Bom tiếp nhận kỹ thuật chạy thận nhân tạo từ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Bác sĩ Nguyễn Ðức Phước, Giám đốc TTYT huyện Trảng Bom cho biết, trung tâm không bị thiếu nhân lực do có 4 bác sĩ và 5 điều dưỡng được đào tạo về chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Trung tâm được Sở Y tế đầu tư 12 máy chạy thận nhân tạo. Giai đoạn đầu, trung tâm mới triển khai 2 máy chạy thận nhân tạo cho 2 bệnh nhân với tần suất chạy thận 3 lần/tuần. Số bệnh nhân này được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất về trung tâm điều trị, trong đó có cả những bệnh nhân cư trú trên địa bàn huyện hoặc vùng lân cận để không phải đi xa, giảm chi phí chữa bệnh.

Là một trong 2 bệnh nhân đầu tiên được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất về TTYT huyện Trảng Bom chạy thận, ông Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) rất vui mừng khi không phải “lặn lội” tuần 3 lần bắt xe buýt đi chạy thận. Ông Thành chia sẻ, hơn 10 năm nay, ông phải bỏ hết công việc chỉ để đi chạy thận, lúc đầu là Bệnh viện Chợ Rẫy, sau gần hơn là Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. “Tiền chạy thận đã có bảo hiểm lo nhưng tiền xe, ăn ở… khi đi xa là không hề nhỏ. Vài tháng nay, gia đình tôi tiết kiệm được một khoản do được chữa bệnh gần nhà” - ông Thành nói.

Đây chỉ là một trong số nhiều kỹ thuật mà TTYT huyện Trảng Bom nhận chuyển giao từ Đề án 1816 trong những năm qua. Trước đó, TTYT huyện Trảng Bom đã nhận chuyển giao kỹ thuật mổ bắt con, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng... từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Dưới sự hỗ trợ của tuyến trên, đến nay, các bác sĩ của trung tâm đã làm chủ được những kỹ thuật này. “Trước đây, các ca u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung… nhập viện, chúng tôi phải chuyển viện. Nhưng 2 năm nay, số ca chuyển viện về những bệnh này đã giảm rõ rệt. Chúng tôi chỉ chuyển viện những ca khó” - bác sĩ Phước cho hay.

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh vẫn đang áp dụng điều trị trĩ bằng phương pháp longo. Trong khi đó, phương pháp mổ trĩ bằng laser có những ưu điểm hơn nhiều so với phương pháp cũ. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, cuối năm 2018, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã mời chuyên gia của Bệnh viện Bình Dân (TP.Hồ Chí Minh) về chuyển giao phương pháp phẫu thuật trĩ bằng laser. Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh là đơn vị đi đầu trong triển khai phương pháp điều trị trĩ bằng laser.

Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch đã làm chủ kỹ thuật mổ lấy thai từ Đề án 1816

Để thực hiện được kỹ thuật này, Khoa Ngoại tổng quát của bệnh viện đã cử người lên Bệnh viện Bình Dân học tập, sau đó tiếp tục mời PGS-TS-BS.Dương Văn Hải về “cầm tay chỉ việc” đến khi nào các bác sĩ của bệnh viện làm chủ được kỹ thuật này. Đây chỉ là một trong những kỹ thuật mới mà Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh nhận chuyển giao từ các bệnh tuyến trên theo Đề án 1816.

Bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ: “Chúng tôi phải đẩy nhanh tốc độ, nâng tầm chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trong vùng. Bệnh viện phải thực hiện nhiều biện pháp để các bác sĩ được học tập nâng cao tay nghề thông qua Đề án 1816 hoặc hợp tác với các chuyên gia y tế của Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh…”.

* Gặp khó về nhân lực

Năm 2008, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án 1816 nhằm hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tiến tới sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các vùng, miền trong cả nước. Đặc biệt, mục tiêu lớn nhất của đề án là đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn để từng bước đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân địa phương.

Dù việc chuyển giao kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và chuyên môn của các bác sĩ nhưng thực tế việc thực hiện đề án vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc TTYT huyện Xuân Lộc cho biết, sau nhiều năm chuẩn bị về cả con người lẫn vật chất, năm 2018, trung tâm mới triển khai phẫu thuật nội soi ruột thừa. Nhưng khó khăn lớn nhất của TTYT huyện Xuân Lộc vẫn là con người, nhất là các bác sĩ chuyên khoa, có chứng chỉ hành nghề. “Chúng tôi mong muốn triển khai nhiều kỹ thuật cao hơn, phục vụ người dân về: nội, sản, ngoại, nhi khoa hoặc cấp cứu những trường hợp nặng như: ngưng tim, ngưng thở do nhồi máu cơ tim; ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật… nhưng không có đủ nhân lực nên đành chịu” - bác sĩ Ngưỡng nói.

Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật về nhi khoa cho TTYT huyện Xuân Lộc, nhưng đơn vị này chỉ có 2 bác sĩ nhi khoa, chưa thể tách khoa nhi riêng. “TTYT huyện Xuân Lộc phải được tăng cường 20 bác sĩ mới đáp ứng nhu cầu. Khi đó, chúng tôi mới “dám mơ lớn”, làm nhiều kỹ thuật cao hơn để phục vụ bệnh nhân” - bác sĩ Ngưỡng tâm sự.

Gần 1 ngàn ca sinh mổ của TTYT huyện Vĩnh Cửu trong vòng 5 năm qua được thực hiện nhờ Đề án 1816, thế nhưng khoa ngoại, khoa sản chỉ có 1-2 bác sĩ làm việc nên dù muốn triển khai nhiều kỹ thuật mới, đơn vị này cũng đành “chào thua”. Bác sĩ Bùi Quang Tân, Phó giám đốc TTYT huyện Vĩnh Cửu chia sẻ, thu nhập của bác sĩ tuyến huyện rất thấp, không đảm bảo cho cuộc sống gia đình nên khó thu hút, nhất là bác sĩ có kinh nghiệm. “Vài năm trước, chúng tôi dự định mổ thoát vị bẹn nên cử bác sĩ của trung tâm đi học. Học xong, chuẩn bị triển khai, bác sĩ lại về hưu, không tái ký hợp đồng với trung tâm. Do đó, dự định trên cũng “về hưu” theo bác sĩ” - bác sĩ Tân nói.

Trước năm 2017, dù hằng năm TTYT huyện Nhơn Trạch vẫn lên chương trình, kế hoạch triển khai Đề án 1816 với Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất nhưng chỉ dừng lại ở mức “bác sĩ tuyến trên về làm thay tuyến dưới”. Bác sĩ Hồ Thanh Phong, Giám đốc TTYT huyện Nhơn Trạch cho hay, thời điểm đó, trung tâm vừa thiếu người trầm trọng vừa thiếu thiết bị về ngoại khoa, sản khoa, cơ sở vật chất lại xuống cấp. Chỉ từ năm 2017 đến nay, các bác sĩ TTYT huyện Nhơn Trạch mới bắt đầu chủ động thực hiện các kỹ thuật ngoại khoa, sản khoa như: phẫu thuật nội soi, mổ bắt con… Bác sĩ Phong cho biết: “Hiện nay, dù cơ sở vật chất chưa được khắc phục nhưng chúng tôi bắt buộc phải đưa Đề án 1816 đi vào thực chất. Chúng tôi có 6 bác sĩ ngoại khoa, 3 bác sĩ sản khoa nên mạnh dạn phát triển ngoại khoa, sản khoa và cấp cứu các ca chấn thương nặng”.

* Cần tháo gỡ từ cơ chế

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, 10 năm qua, Đề án 1816 đã giúp các bệnh viện, TTYT phát triển chuyên môn rất tốt. Trước năm 2009, nhiều kỹ thuật cao về sọ não, tim mạch, sản khoa… chỉ có các bệnh viện tuyến Trung ương mới thực hiện được nhưng nhờ đề án, các kỹ thuật này đã trở thành thường quy ở các bệnh viện tỉnh, huyện. Do đó, đề án này sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trước đây, Sở Y tế phân công các bệnh viện tuyến trên phụ trách chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị tuyến dưới. Nhưng vài năm nay, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới căn cứ vào tình hình cụ thể của mình (thực trạng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhu cầu khám, chữa bệnh trên địa bàn…) chủ động đề xuất nhu cầu chuyển giao kỹ thuật gửi về về các bệnh viện, đơn vị tuyến trên. “Các đơn vị tuyến dưới có quyền tự chọn các bệnh viện tuyến trên (bệnh viện tỉnh, Trung ương hay các bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh) giúp đỡ luân phiên, hợp đồng chuyển giao kỹ thuật. Sau đó, đơn vị báo cáo với Sở Y tế để theo dõi” - TS-BS.Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh.

Để chủ động phát triển kỹ thuật về ngoại, sản khoa, TTYT huyện Nhơn Trạch đã “xé rào” tìm nguồn thu để có tiền ký hợp đồng với bác sĩ gây mê của Bệnh viện quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) trong thời gian “chờ” bác sĩ của trung tâm đi học. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, đơn vị này phải đào tạo không chỉ một mà nhiều bác sĩ gây mê mới đáp ứng nhu cầu phát triển.

Dù đã có đủ nhân lực, máy móc để thực hiện chạy thận nhân tạo nhưng đến nay, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành vẫn chưa thực hiện được kỹ thuật này do vướng quy định về số phòng và diện tích phòng phục vụ bệnh nhân chạy thận. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất của bệnh viện đã xuống cấp, bệnh viện phải tận dụng cơ sở cũ để sửa chữa, thành lập khu chạy thận nên chưa đảm bảo theo quy định. Bên cạnh đó, yêu cầu bác sĩ chuyên khoa học chạy thận nhân tạo vẫn phải bổ sung chứng chỉ hành nghề cũng khiến bệnh viện “trở tay” không kịp. “Chúng tôi phải chờ bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và sửa chữa lại phòng ốc mới triển khai được kỹ thuật chạy thận nhân tạo” - bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành chia sẻ.

Mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Theo Sở Y tế, năm 2019, các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh đã nhận chuyển giao 92 kỹ thuật từ Đề án 1816 và Đề án bệnh viện vệ tinh.

Tại hội nghị giao chỉ tiêu, kế hoạch và giao ban ngành Y tế vào sáng 26-12, TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhận định, các đề án này đã giúp cho các bệnh viện tuyến dưới nâng cao tay nghề của bác sĩ, đặc biệt là những bệnh viện lớn như: Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh…

Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo các đơn vị cho rằng, khi thực hiện Đề án 1816 phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính rườm rà. Do đó, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và trình độ chuyên môn, bên cạnh thực hiện Đề án 1816, các đơn vị sẽ chủ động hợp tác với các chuyên gia y tế ở tuyến trên về làm việc trực tiếp với bệnh viện, trung tâm y tế.

Năm 2020, ngành Y tế sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, làm mới cơ sở hạ tầng cho các cơ sở y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở; tăng cường thu hút và điều động bác sĩ về công tác ở tuyến y tế xã và huyện, kết hợp với thực hiện tốt Đề án 1816 nhằm tăng cường đào tạo và hỗ trợ nhân lực cho y tế cơ sở.

Khánh Ngọc

Bích Nhàn

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế:

Cần chính sách đặc biệt về nhân lực

Các bệnh viện tuyến trên sẵn sàng nhận chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, nhưng điều khó nhất của các đơn vị tuyến dưới chính là con người. Nhiều đơn vị không có người để đi học về kỹ thuật mới dù chúng tôi sẵn sàng trang bị những máy móc hiện đại cho các đơn vị như CT, MRI… Để giải quyết bài toán này, những năm tới, tỉnh cần phải có chính sách đặc biệt để thu hút bác sĩ về làm việc như: hỗ trợ mua nhà cho bác sĩ; chủ động đào tạo nguồn lực bác sĩ bằng cách thành lập Khoa Y của Trường đại học Đồng Nai…

TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất:

Mở rộng mô hình

Để thực hiện Đề án 1816 cần phải mở rộng nhiều mô hình nâng cao của đề án này. Ngoài mô hình bệnh viện vệ tinh, cần có mô hình mời chuyên gia về các bệnh viện, nhất là các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới làm việc. Khi các đơn vị mời chuyên gia trực tiếp về “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ tại đơn vị sẽ giúp nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, thu hút bệnh nhân đến thăm khám và điều trị.

Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc:

Chủ động nguồn kinh phí

Nhà nước cần có cơ chế mở hơn trong việc thu hút nhân lực mới đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị như: mở rộng hơn việc tái ký hợp đồng với các bác sĩ đã về hưu, hoặc ký hợp đồng ngắn hạn với các bác sĩ tự do để bù vào “khoảng trống” cho các bác sĩ đi học hoặc mời chuyên gia tuyến trên về đào tạo tại chỗ… Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện vẫn là điều cốt lõi bởi các đơn vị y tế tuyến huyện ít kinh phí, chúng tôi muốn mời chuyên gia về làm việc nhưng đành chịu vì không có nguồn. Khánh Ngọc (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201912/de-an-1816-gop-phan-nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh-2980731/