ĐBSCL: Xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long xu hướng giảm dần

Theo dự báo, nhận định từ các cơ quan chuyên ngành và địa phương ở ĐBSCL, tình hình xâm nhập mặn theo các cửa sông Cửu Long bắt đầu giảm dần.

 Mùa khô hạn, một số địa phương đầu tư trạm bơm điện, canh lấy nước sản xuất. Ảnh: HP

Mùa khô hạn, một số địa phương đầu tư trạm bơm điện, canh lấy nước sản xuất. Ảnh: HP

Hiện nay ở ĐBSCL xâm nhập mặn đang qua đợt cao điểm và xu hướng giảm dần trên các cửa sông.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn từ biển Đông theo sông Hậu về tới địa bàn huyện Kế Sách cao điểm trong 2 tháng vừa qua đến nay có dấu hiệu giảm. Đến ngày 31/3 (19/2 âm lịch), phần lớn các điểm đo mặn trên địa bàn huyện đều có độ mặn dưới 1‰: An toàn để tưới cho các loại cây trồng phổ biến (ngoại trừ một số loại cây mẫn cảm).

Cụ thể trên địa bàn huyện Kế Sách tại các điểm ở xã Kế An độ mặn thấp nhất 0,2‰ và cao nhất 0,81‰, xã Thới An Hội có 7 điểm đo độ mặn thấp nhất 0,12‰ và cao nhất tại Cầu Trắng vào lúc 6 giờ 25 phút, độ mặn 0,79‰. Tại Xã An Lạc Tây độ mặn tại vàm An Thạnh 0,4‰ và Cầu Cái Trưng 0,2‰…

Ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kế Sách, cho biết từ đầu mùa khô năm nay đề phòng xâm nhập mặn, theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, ngày 8/2, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 294/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp do hạn, xâm nhập mặn (mức độ rủi ro cấp 1) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở NNPTNT thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến hạn, mặn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ứng phó kịp thời. Đồng thời, tổ chức thực hiện các công trình khẩn cấp theo quy định nhằm ngăn mặn, tăng cường tích trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Địa bàn huyện Kế Sách giáp ranh với tỉnh Hậu Giang, là điểm cuối xâm nhập mặn trên sông Hậu lên tới xã An Lạc Tây.

Ông Vũ Bá Quan, nhận xét: Đến nay bước vào tháng 4/2021 có thể qua đã qua cao điểm đợt hạn mặn. So với năm 2020 mặn từ cuối tháng 2 kéo dài chịu trận đến đầu tháng 5, nhưng năm nay có phần nào nhẹ hơn, vào giữa các đợt mặn tăng cao có thể lấy nước ngọt. Đánh giá tình hình hình chung sản xuất lúa tạm ổn. Đối với vườn cây ăn trái nông dân đóng đập đề phòng mặn, trữ nước mương vườn, tưới nước tiết kiệm. Phòng NN-PTNT huyện Kế Sách khuyến cáo các nhà vườn thường xuyên theo dõi thông báo về độ mặn trên sống rạch. Nếu độ mặn tăng cao trên 1‰ nông dân không nên lấy nước tưới vườn cây ăn trái. Riêng vườn cây sầu riêng, vú sữa đang ra hoa lấy nước tưới độ mặn phải dưới mức 0,5‰.

Theo dự báo chuyên ngành của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, tình hình xâm nhập mặn, nguồn nước từ nay đến cuối mùa khô, từ đầu đến giữa tháng 4/2021 ở vùng cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn bắt đầu giảm dần, phạm vi xâm nhập mặn cách biển từ 30-35 km, có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn bắt đầu giảm. Ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn khả năng sẽ giảm nhanh, nguồn nước ngọt xuất hiện khá dồi dào, các vùng 25-30 km trở vào có thể có nước ngọt.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nhận định về tình hình thủy văn mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 biến đổi theo triều và ở mức tương đương trung bình nhiều năm (TBNN). Do dòng chảy thượng nguồn về ĐBSCL suy giảm, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế gia tăng. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong thời kỳ từ 12-16/3 (cuối tháng giêng âm lịch). Từ 27/3-1/4 (rằm tháng 2 âm lịch). Riêng sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ ngày 9 đến 14/4, từ 24-28/4), sau giảm dần. Dự báo phạm vi xâm nhập mặn (4 g/l) sâu nhất mùa khô năm 2021 tại các cửa sông Cửu Long khoảng 50-70 km, trên các công Vàm Cỏ từ 85-95 km, sông Cái Lớn từ 45-55 km.

Từ tháng 6 đến tháng 8/2021, mực nước sông Mekong lên dần va ở mức tương đương với TBNN. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế lên dần và ở mức thấp hơn TBNN từ 0,1-0,2 m.

HƯNG PHÚ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dbscl-xam-nhap-man-tren-cac-cua-song-cuu-long-xu-huong-giam-dan-d287512.html