ĐBSCL thu hút gần 21 tỉ đô la vốn ngoại

Tính đến đầu tháng 10-2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt gần 21 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là sau ba lần tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam - Nhật Bản, thì tỷ lệ vốn FDI đầu tư vào vùng này đã chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn FDI của cả nước.

Ban chủ tọa buổi họp báo diễn ra chiều hôm nay, 9-10, tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Tại buổi họp báo lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và chương trình giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 9-10, cả nước thu hút 218 dự án FDI với tổng vốn 14,13 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, khu vực ĐBSCL thu hút được 99 dự án với tổng vốn 1,503 tỉ đô la.

Mở chuyến bay charter trực tiếp từ Tokyo đến Cần Thơ

Tại sự kiện giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam-Nhật Bản diễn ra từ ngày 2 đến 4-11-2018, VCCI Cần Thơ sẽ phối hợp cùng Tập đoàn Brainworks Asia (Nhật Bản) chọn Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức thực hiện chuyến bay trực tiếp từ sân bay Narita (Tokyo) đến sân bay quốc tế Cần Thơ và ngược lại.

Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online liên quan đến sự kiện mở chuyến bay thẳng từ Tokyo đến Cần Thơ, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua, địa phương có rất nhiều nỗ lực để mở các đường bay mới đến Cần Thơ. “Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của các hãng bay đến và khai thác những đường bay quốc tế”, ông cho biết.

Theo ông Lam, lũy kế đến đầu tháng 10-2018, cả nước có 26.646 dự án FDI còn hiệu lực, đang hoạt động và đã đăng ký với tổng vốn 334,05 tỉ đô la. Trong đó, ĐBSCL có 1.495 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 20,95 tỉ đô la.

Có một điều khá đặc biệt, đó là sau ba lần tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam - Nhật Bản, tỷ lệ vốn FDI đầu tư vào ĐBSCL đã chiếm một tỷ lệ đáng kể hơn trong tổng vốn FDI của cả nước.

Cụ thể, theo ông Lam, trong giai đoạn 5 năm trước khi diễn ra chương trình nêu trên, thu hút FDI của ĐBSCL chiếm trên cả nước chỉ khoảng 5-6%, nhưng trong hai năm vừa qua (2016-2017), đã tăng lên lần lượt là 9% và 12%. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, thu hút FDI của ĐBSCL chiếm trên cả nước là 10,6%.

Tại Cần Thơ, trong 9 tháng đầu năm 2018, có 5 dự án FDI với tổng vốn 4,72 triệu đô la và có 2 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm trên 40 triệu đô la.

Về tình hình thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản, theo ông Lam, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, khi tham gia đầu tư vào Việt Nam nói chung, ĐBSCL và Cần Thơ nói riêng, thì họ đi khá chậm. Trong đó, khi nhìn vào danh mục những dự án đầu tư trước đây, thì Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào những lĩnh vực như chế tạo, công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp.

Theo ông Lam, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn còn rất ít doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào. “Các doanh nghiệp chế tạo, chế biến các thiết bị kỹ thuật của Nhật nhiều lắm chỉ đầu tư đến Long An là hết”, ông nhìn nhận và cho rằng, bức tranh còn lại của nông nghiệp ĐBSCL là vấn đề cần tiếp tục thúc đẩy thu hút dòng vốn của Nhật Bản.

“Chính vì vậy, sự kiện lần này (lần thứ 4), chúng tôi đặt ra đối với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các tổ chức khác của Nhật là sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho các nhà đầu tư của Nhật”, ông cho biết và kỳ vọng sẽ có một làn sóng kế tiếp của Nhật đầu tư vào Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279871/dbscl-thu-hut-gan-21-ti-do-la-von-ngoai.html