ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu - Bài cuối: Xây dựng chiến lược tổng thể

Các chuyên gia vẫn khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng phát triển thành vùng nông nghiệp trù phú, là vựa nông sản, thủy sản lớn của cả nước và khu vực.

Đồng bằng sông Cửu Long cần có một chiến lược dài hạn mang tính tổng thể . Ảnh: TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long cần có một chiến lược dài hạn mang tính tổng thể . Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, để nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển bền vững, khu vực này cần có một chiến lược dài hạn mang tính tổng thể đáp ứng các mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định, trong những năm gần đây Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu với hàng loại hiện tượng tiêu cực như sạt lở, sụt lún, ngập úng, nhiễm mặn.

Đáng báo động là trong khoảng 50 năm tới khoảng 47% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4 phần nghìn và có tới 64% diện tích chịu ảnh hưởng bởi độ mặn 1 phân nghìn, hầu như không thể sản xuất trồng trọt; trong đó, bán đảo Cà Mau sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Dự báo trong thời gian tới, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng trở nên cực đoan, có thể khô hạn nghiêm trọng hoặc lũ chồng lũ gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng, những năm qua sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý như tập trung thâm canh lúa 3 vụ, khai thác quá mức tài nguyên cát sỏi, nước ngầm và giảm diện tích rừng ven biển khiến khu vực này trở nên dễ tổn thương trước những tác động của tự nhiên.
Theo ông Lê Quốc Doanh, ba nhóm nguyên nhân trên cộng hưởng cùng lúc đã tạo ra những tác động tiêu cực lớn nhất, khó dự đoán nhất trong lịch sử kiến tạo của Đồng bằng sông Cửu Long. Những tác động này ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống cư dân nhưng nông nghiệp – nông dân – nông thôn sẽ là những đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng phát triển thành vùng nông nghiệp trù phú, là vựa nông sản, thủy sản lớn của cả nước và khu vực. Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cả về khí hậu ôn hòa lẫn địa hình đất đai bằng phẳng với hệ sinh thái đa dạng.
Hơn hết Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí thuận lợi để kết nối giao thương với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và ra thế giới, là lợi thế quan trọng để phát triển mạnh thương mại nông sản.

Ngoài ra không thể không nhắc đến những cơ hội mà quá trình hội nhập kinh tế thế giới mang lại đó là sự mở cửa thị trường với mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…
Đứng trước bối cảnh đó, để nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu và tận dụng tốt những cơ hội từ thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo đó, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng phát triển thành 3 vùng dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi đất đai và nhu cầu thị trường, các ngành hàng chiến lược được phân thành vùng an toàn, vùng chuyển đổi, vùng linh hoạt và sẽ điều chỉnh theo chu kỳ 10 năm.
Vùng thượng đồng bằng đóng vai trò điều tiết và hấp thụ lũ cho khu vực, là vùng trọng điểm sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững. Vùng giữa đóng vai trò điều tiết nước ngọt cho vùng ven biển, phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình, là trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất của cả nước.
Bên cạnh đó, phát triển một số vùng lúa gạo tập trung, thủy sản nước ngọt, rau màu và cây công nghiệp. Đối với vùng ven biển, phát huy lợi thế nguồn nước mặn, lợ để phát triển thủy sản, phát triển hệ thống nông - lâm theo hướng sinh thái, hữu cơ kết hợp với du lịch. Một nhiệm vụ khác của vùng này là sẵn sàng phòng chống, ứng phó giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, sạt lở bờ biển.
Song song với việc quy hoạch sản xuất theo vùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng định hướng phát triển các ngành chủ lực theo hướng giảm diện tích, sản lượng lúa, tăng thủy sản, trái cây và đẩy mạnh công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu.
Với lúa gạo, không cứng nhắc duy trì sản xuất lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn, tập trung nâng cao chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước. Vùng chuyên canh trái cây sẽ phát triển theo nhu cầu thị trường, có thể mở rộng diện tích thêm 150.000 ha, nâng tổng diện tích lên 626.000 ha.
Về nuôi trồng thủy sản, tập trung vào hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra, phát triển diện tích nuôi trồng lên mức 1,334 triệu ha (2030), đồng thời đầu tư mạnh cho chế biến sâu các sản phẩm thủy sản và phụ phẩm để gia tăng giá trị và thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Các địa phương trong vùng đều thống nhất và đánh giá cao việc xây dựng chiến lược phát triển tổng thể cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xem đó là cơ sở để mỗi địa phương quy hoạch lại vùng sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế. Tuy nhiên để triển khai có hiệu quả chiến lược trên, các bộ ngành cần sớm tháo gỡ những điểm nghẽn chung.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác đã được định hướng từ lâu, trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và các địa phương cũng ý thức phải chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường. Thế nhưng trên thực tế, việc chuyển đổi chưa đạt được hiệu quả vì nhiều lý do; trong đó, xuất phát từ chính sách quản lý đất đai.
Trong một thời gian dài, Đồng bằng sông Cửu Long phải gánh trọng trách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nên liên tục tăng diện tích và sản lượng lượng lúa, đất lúa vì vậy được quản lý nghiêm ngặt. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương muốn chuyển đổi diện tích đất lúa từ 10 ha trở lên vẫn phải báo cáo và chờ Chính phủ phê duyệt, mất rất nhiều thời gian chờ đợi.
Theo ông Lê Minh Hoan, để giải quyết vướng mắc trên, cần sửa đổi lại Luật Đất đai và xây dựng cơ chế riêng cho việc chuyển đổi nông nghiệp. Về cơ bản, việc chuyển cây trồng vật nuôi không làm thay đổi mục đích sử dụng của đất nông nghiệp.

Khi đã có quy hoạch ngành hàng chiến lược cho cả khu vực, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ cần phân bổ diện tích đất lúa tối thiểu phải duy trì, phần còn lại địa phương có trách nhiệm tự điều chỉnh.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, mặc dù địa phương đã khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở những vùng canh tác lúa kém hiệu quả nhưng chỉ sau một thời gian nhiều vùng chuyển đổi vẫn quay lại trồng lúa. Nguyên nhân là do nông dân đã gắn bó với việc trồng lúa nhiều thế hệ, chưa có kinh nghiệm canh tác các loại cây trồng khác nên năng suất, hiệu quả thấp.
Mặt khác thị trường đầu ra cho các sản phẩm mới chuyển đổi chưa ổn định, người dân vẫn trồng theo phong trào và phụ thuộc vào việc thu mua của thương lái.

Chính vì vậy, để việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả lâu dài, ngoài việc xây dựng quy hoạch hợp lý, các cơ quan quản lý cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường đến doanh nghiệp, người dân để bố trí sản xuất hợp lý, tránh thiếu hụt hoặc dư thừa sản phẩm, gây biến động mạnh về giá cả nông sản.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, khó khăn chung của nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long là chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu nhưng thiếu nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Hoàng Tựu, Chính phủ cần có giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thủy lợi tích hợp với khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, huy động kinh phí ngân sách phục vụ hệ thống khuyến nông, khuyến công, vốn sự nghiệp dành cho khoa học công nghệ, vốn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể làm vốn kích cầu, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát huy hết tiềm năng, giá trị của ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cần hoàn thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, đồng thời phát triển các khu công nghiệp trọng điểm chế biến nông sản, thủy sản.

Thêm vào đó, Nhà nước cần có cơ chế xây dựng Hội đồng điều phối vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương, tạo sự thống nhất trong quy hoạch sản xuất và củng cố chuỗi liên kết phát triển thị trường để giải quyết đầu ra cho nông sản toàn vùng./.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dbscl-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-bai-cuoi-xay-dung-chien-luoc-tong-the/131982.html