ĐBSCL sụp lún, sạt lở khắp nơi

Mùa khô hạn năm nay diễn ra vô cùng gay gắt khiến tình trạng sụp lún xảy ra nhiều nơi ở 2 tỉnh ven biển ĐBSCL là Cà Mau và Kiên Giang.

Trong lúc các ngành chức năng vất vả ứng phó và khắc phục hậu quả sụp lún thì dự báo nạn sạt lở, sụp lún có nguy cơ lan rộng khi mùa mưa bão sắp đến.

1 huyện có đến 1.100 điểm sụp lún!

Mấy ngày nay, gia đình ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ ấp Trung Đoàn, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) thay nhau trực ở tuyến đường bị sụp lún trước nhà để cảnh báo người dân qua lại đề phòng. Ông Sáu kể: “Tuyến đường xi măng này thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia U Minh Thượng được thi công đã nhiều năm nhằm giúp người dân nông thôn đi lại và vận chuyển nông sản hàng hóa. Thời gian qua, tuyến đường này vẫn lưu thông bình thường, nhưng gần đây bỗng xuất hiện vết nứt giữa mặt đường và không lâu sau đó sụp toàn bộ với chiều dài hơn 25m, độ sâu từ 1 - 1,4m. Rất may hôm sụp lún là ban ngày nên mọi người phát hiện, tránh được. Mới đây, có 2 người chạy xe ngang, do bất cẩn nên trượt té, vì vậy địa phương đã tăng cường cắm biển báo…”.

Hiện trường sạt lở tuyến quốc lộ 91 cũ, đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An GiangẢnh: NGỌC DÂN

Hiện trường sạt lở tuyến quốc lộ 91 cũ, đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An GiangẢnh: NGỌC DÂN

Ông Nguyễn Chí Trung, ấp Minh Tiến A, xã Minh Thuận (huyện U Minh Thượng) cho hay: “Tuyến đường nhựa trước nhà tôi rất rộng, được thi công hơn 20 năm nay, đảm bảo cho xe tải vận chuyển hàng hóa bình thường. Tuy nhiên, khoảng giữa tháng 5-2020, mọi người bất ngờ chứng kiến một đoạn dài hơn 15m, rộng khoảng 2m bị sụp sâu khoảng 1,5m. Ngay lập tức ngành chức năng rào chắn đề phòng xảy ra tai nạn”.

Tại km54+900 đường tỉnh 965, ấp Minh Tiến (xã Minh Thuận) vừa xảy ra sụp lún toàn bộ mặt đường với chiều dài tới 50m, sâu 3m, mặt đường nhựa hiện hữu chỉ còn 0,2m nên xe không lưu thông được; ở km52+900 một đoạn dài 35m bị sụp lún sâu 1,4m, chiều rộng mặt đường 3,3m, phần đường còn lại chưa được 0,8m.

Ông Nguyễn Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), lo lắng: “Gần đây tình trạng sụp lún trên địa bàn huyện ở mức báo động đỏ. Chỉ tính riêng đường tỉnh 965 đã xảy ra 8 điểm sụp lún với tổng chiều dài khoảng 265m, chiều sâu trung bình là 2,5m. Còn các tuyến đường giao thông nông thôn trong huyện cũng có tới 11 điểm sụp lún với tổng chiều dài 491m, chiều sâu trung bình tới 3m…”.

Trong khi đó, nạn sụp lún và sạt lở ở Cà Mau tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc, tuyến giao thông quan trọng về khu di tích Hòn Đá Bạc, thời gian qua bị sụp lún và sạt lở nhiều nơi. Nay, những cơn mưa đầu mùa xuất hiện thì việc sụp lún trầm trọng thêm.

Mới đây nhất, ngày 22-5, tại ấp Cơi Năm B, xã Khánh Bình Tây xảy ra thêm một vụ sụp lún dài gần 40m, vị trí sâu nhất tới 3m. Đây là vụ sụp lún thứ 6 trên tuyến đường này. Ông Trần Thanh Đoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, cho biết: “Thời gian qua do ảnh hưởng hạn hán khốc liệt nên gây ra hiện tượng sụp lún tràn lan, làm cho kết cấu hạ tầng bị hư hỏng rất nhiều, giao thông chia cắt…”.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có tới 1.154 điểm sụp lún, tổng chiều dài hơn 25km. Trong đó, huyện Trần Văn Thời có 1.100 điểm sụp lún, gồm 712 điểm sụp lún lộ bê tông dài 13km và 397 điểm sụp lún lộ đất đen, dài 10km...

Nguy cơ lan rộng trong mùa mưa

Ông Nguyễn Quốc Khởi nhìn nhận: “Sụp lún tràn lan hiện nay gây ra nhiều hệ lụy, như giao thông một số nơi tê liệt, việc vận chuyển nông sản đình trệ vì xe tải không thể lưu thông, trong khi đường thủy thì tàu ghe neo đậu do các cống ngăn mặn đã đóng kín. Một số nơi, bà con thu hoạch chuối, gừng, củ lùn… buộc phải vận chuyển từ ruộng ra các trung tâm bằng xe máy vừa mất thời gian, vừa tốn thêm chi phí…”. Giải thích về lần đầu tiên ở U Minh Thượng bị sụp lún nhiều như vậy, ông Khởi cho rằng, vùng này đặc thù đất than bùn, nền mềm yếu, nên khi gặp khô hạn kéo dài có thể gây ra tình trạng đất bị bọng phía dưới và gây sụp lún. Tuy nhiên, đây chỉ là dự báo ban đầu, về lâu dài cần khảo sát cụ thể nhằm tìm nguyên nhân chính xác và đưa ra phương án ứng phó phù hợp. “Trước mắt, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh, Sở GTVT… nhanh chóng hỗ trợ, gia cố, sửa chữa ngay những đoạn bị sụp lún nhiều nhằm giải quyết việc đi lại, vận chuyển nông sản cho bà con. Song, cái khó lúc này là vật tư đưa vào nơi sụp lún rất chậm, do đường bộ và đường thủy đều đi lại khó khăn”, ông Khởi nói.

Theo UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), do sụp lún, sạt lở nên việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong vùng vô cùng khó khăn. Đáng lo ngại hơn là tình trạng sụp lún và sạt lở không chỉ ở thời điểm hạn hán, mà dự báo vào mùa mưa sắp tới, nguy cơ xảy ra sạt lở trầm trọng hơn.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Thời gian qua, hạn hán dẫn đến nhiều kênh mương trong vùng ngọt hóa của tỉnh khô cạn, đất bị co ngót. Tới đây, khi mùa mưa xuống, nước thẩm thấu vào khe rỗng, những khu vực đất bị co ngót nền đất dễ bị trượt dẫn đến sạt lở...”.

Theo ông Hoai, để hạn chế tình trạng sạt lở trong mùa mưa bão sắp tới, tỉnh Cà Mau cấp bách triển khai nhiều biện pháp phòng chống, lắp đặt biển cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao; tăng cường kiểm tra nhằm sớm phát hiện các vị trí, đoạn tuyến có nguy cơ sụp lún, sạt lở; tăng cường quản lý nạo vét đường thủy nội địa, đất ven sông, kênh rạch...

Phía UBND huyện U Minh Thượng cũng yêu cầu các ngành liên quan và các xã tiến hành khảo sát những tuyến đường, đê bao... có hiện tượng rạn nứt đất, nguy cơ tiếp tục sụp lún và sạt lở lan rộng khi mùa mưa bão ập đến. Chủ động các phương án ứng phó ngay từ bây giờ, nhằm giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn
tính mạng người dân.

HUỲNH LỢI - TẤN THÁI

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/dbscl-sup-lun-sat-lo-khap-noi-80687.html