ĐBSCL: Sạt lở, sụp đất - nỗi lo thường trực

Chưa bao giờ tình trạng sạt lở, sụp đất tại các cửa biển, cửa sông vùng ĐBSCL lại diễn ra liên tiếp như lúc này. Các địa phương liên tiếp đưa ra những cảnh báo, khu vực sạt lở cần chú ý.

Kè Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu bị sóng biển cuốn mất nhiều đoạn vào đầu năm 2017

Đê biển vẫn oằn mình trước sóng

Đầu năm 2017, đoạn kè đê biển thuộc thị trần Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu bị sạt lở nghiêm trọng. Đây là đoạn đê sung yếu bảo vệ trên 5.000 dân tại Khu vực 1, và là tấm bia chắn sóng co cả thị trấn. Bạc Liêu lập tức công bố thiên tai, khắc phục hậu quả. Hàng loạt những giải pháp được đưa ra để gia cố đê kè này.

Cách đây không lâu, một đoạn đường đấu nối với dự án đê biển tây Cà Mau, đoạn Hương Mai – Cái Cám đã làm xong tự dung sụp xuống gần 2 mét. Đất trôi đi đâu người dân không biết. Các nhà chuyên môn đưa ra nhận định đất bị chuồi. Trước đó, hiện tượng sụp đất diễn ra liên tục tại các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, U Minh Cà Mua, chia cắt đường giao thông nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, xã Tân Hải, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Tôi sống ở đây từ nhỏ, nay đã 50 tuổi rồi mà chưa thấy chuyện tự nhiên con lộ nông thôn lại sụp mất một khoảng đất như vầy”.

Mất rừng, sóng đánh trực tiếp vào đê biển khiến con đê oằn mình gánh chịu

Những đoạn bờ biển có tốc độ xói lở mạnh (từ 30-100 m/năm) là Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang); Hiệp Thạnh, Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh); Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu)… Tại Sóc Trăng, đoạn bờ biển từ ấp Biển Trên, thị trấn Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu đến khu vực giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu đang bị xâm thực mạnh.

Đất đang mất dần

Theo khảo sát của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NNPTNT, hiện ĐBSCL có gần 400 điểm sạt lở, 150 khu vực bồi lắng trong giai đoạn từ đầu và cuối mùa lũ với chiều dài trên 450 km. Mỗi năm vùng này mất đến 500 ha đất.

Tại Cà Mau từ năm 1973 đến nay, một số đoạn bờ biển bị xói lở nghiêm trọng, nhất là khu vực từ cửa sông Tràng Tràm đến xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, diện tích đất mất đi gần 4.890 ha. Khu vực cửa sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến rạch Tiểu Dừa (huyện U Minh), trung bình mỗi năm mất 22 ha đất…

Các nơi ven sông Tiền, sông Hầu cũng liên tiếp cảnh báo sạt lở như: Thị xã Tân Châu, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang; thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, huyện Châu Thành của tỉnh Đồng Tháp...

Đê biển Gành Hào bị sạt lở đầu năm 2017

Chi phí thực tế từ 80-100 tỉ đồng/km làm đê biển nên rất tốn kém. Về lâu dài cần áp dụng giải pháp “công trình mềm” là bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn và hệ sinh thái đa dạng ven biển.

Ngăn chặn, hạn chế sạt lở, sụp lún đất đòi hỏi nhiều giải pháp khác nhau. Bài toán quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế ven biển, ven sông cần sẽ được các Bộ, ngành TƯ cân nhắc kỹ lưỡng trong quy hoạch phát triển ĐBSCL sắp tới.

Nhật Hồ - Trần Lưu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/dbscl-sat-lo-sup-dat-noi-lo-thuong-truc-566516.ldo