ĐBSCL: Sản phẩm du lịch được sao chép giữa các địa phương

Sản phẩm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) thời gian qua còn nghèo nàn, được sao chép giữa các địa phương do thiếu tư duy, kiến thức phát triển.

ĐBSCL cần tư duy phát triển sản phẩm du lịch. Trong ảnh là hoạt động chèo thuyền tham quan tại Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Bên lề hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL” được tổ chức tại tỉnh An Giang vào hôm nay, 1-10, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng ĐBSCL có tài nguyên đẹp và phong phú như sông, vườn cây ăn trái, đồng lúa, đồi núi… có thể phục vụ phát triển du lịch. Đây là những cảnh rất hấp dẫn du khách, nhất là với khách nước ngoài đến từ châu Âu. Việc ĐBSCL có nắng quanh năm cũng là lợi thế, có thể làm du lịch cả 4 mùa.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng đánh giá ĐBSCL là một trong bảy vùng du lịch nổi tiếng của Việt Nam, có thế mạnh cảnh quan sông nước hiền hòa, người dân thân thiện, mến khách. “Riêng An Giang là vùng đất đầu nguồn ĐBSCL, có các yếu tố tự nhiên đa dạng, phù sa màu mỡ, thích hợp phát triển du lịch nông nghiệp”, ông nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển các sản phẩm du lịch ở ĐBSCL thời gian qua vẫn còn nghèo nàn, được sao chép giữa các địa phương, chẳng hạn như chợ nổi, vườn cây ăn trái… Sự giống nhau về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, theo ông Huê, do tư duy, kiến thức về phát triển sản phẩm du lịch chưa sâu.

"Sản phẩm du lịch phải tạo ra được sự khác biệt mới có lợi thế cạnh tranh. Trong khi hiện nay, sản phẩm này chỉ được “copy” từ người này sang người kia, dẫn đến sự nhàm chán đối với du khách", ông Huê nói.

Theo ông Huê, khu vực ĐBSCL có điều kiện về tài nguyên để tạo ra sự đa dạng về các sản phẩm du lịch. Cụ thể, có địa phương là miệt vườn ven sông Tiền, sông Hậu, có thể tạo ra sản phẩm chuyên về cây ăn trái; có địa phương ven biển có thể khai thác sản phẩm chuyên về sinh thái rừng ngập mặn; có địa phương phát triển mạnh về văn hóa đồng bào dân tộc hay có đồi núi, du lịch tâm linh…

“Về mặt tài nguyên, các địa phương này không giống nhau hoàn toàn, việc tạo ra sản phẩm khác biệt là vấn đề của người kinh doanh”, ông nói.

Liên quan đến thời gian lưu trú của du khách ở ĐBSCL quá ngắn, ông Huê cho rằng khách nước ngoài dù muốn ở lại lâu hơn thì khu vực này cũng không có nhiều sản phẩm du lịch để phục vụ họ. “Nếu tạo được sự khác biệt, khách có thể ở được cả tuần, chứ không phải chỉ 1-2 ngày vì đây là vùng rộng lớn, diện tích bằng 50% của nước Áo”, ông nhận xét.

Để du lịch ĐBSCL phát triển, theo ông Huê, thứ nhất, về mặt sản phẩm, phải biến tài nguyên thành các sản phẩm đặc trưng, khác biệt; thứ hai, về mặt chuỗi giá trị, nhất là dịch vụ lưu trú phải được nâng cấp. Bởi, khách đến tham quan chỉ chi tiêu tối đa 100.000-200.000 đồng, nhưng nếu lưu trú lại thì chi tiêu đến 500.000 đồng.

Một vấn đề nữa, theo ông Huê, hiện không có sự định hình điểm đến phù hợp với loại hình du lịch nên việc tiếp thị không hiệu quả. “Cuối cùng, các địa phương ĐBSCL gần nhau, có các điểm đến gần nhau, nhưng các tỉnh không có liên kết, kể cả về sản phẩm và về mặt quản lý nên tiếp thị không tạo ấn tượng”, ông cho biết.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279476/dbscl-san-pham-du-lich-duoc-sao-chep-giua-cac-dia-phuong.html