ĐBSCL phòng thủ trước thiên tai bất thường

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thiên tai làm thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), năm 2018 tình hình thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra ở khắp các vùng miền với 16/21 loại hình thiên tai, đã làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

 Hàng năm Nhà nước bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng khắc phục thiên tai.

Hàng năm Nhà nước bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng khắc phục thiên tai.

Năm 2018 tại khu vực Nam Bộ đã xảy ra 14/21 loại hình thiên tai, trong đó gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn nhất là lũ ở ĐBSCL, bão số 9, 123 trận mưa đá, dông, lốc, sét (chiếm 55% số trận cả nước), 441 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển (tổng số có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km) làm 10 người chết và mất tích (chiếm 4% cả nước), bị thương 13 người, 320 nhà bị sập đổ, 1.196 nhà bị hư hại, tốc mái, 16.391 nhà bị ngập nước; thiệt hại ước tính khoảng 117,9 tỷ đồng.

Trong đó, trận lũ năm 2018 tại ĐBSCL, đạt mức trên BĐ2 sau 7 năm không có lũ lớn, tác động tới 4 tỉnh thượng nguồn và 4 tỉnh hạ lưu vùng lũ. Cường suất lũ lên 10 cm/ngày (cao hơn mức trung bình 5 cm/ngày). Trận lũ đã làm thiệt hại 1.845,42ha lúa, 177,4ha hoa màu; vỡ đê bao triệt để vùng giáp ranh huyện Tam Nông - Tháp Mười thuộc ô bao Đông kênh Hậu 700 của tỉnh Đồng Tháp và 1 ô bao không triệt để ở Long An; sạt lở bờ sông Hậu TP Long Xuyên, tỉnh An Giang với chiều dài 102m và một số tuyến đường giao thông bị ngập.

Tiếp đó là cơn bão số 9 đã làm 1 người chết, 4 người bị thương, 10 nhà bị sập đổ, 120 nhà bị hư hỏng, 31 tàu, thuyền nhỏ bị chìm; 99 lồng bè bị hư hỏng, 14.421ha lúa, 1.510ha hoa màu, 9.272ha cây ăn quả bị thiệt hại.

Thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đầu năm 2019 đến nay, tại khu vực miền Nam, đã xảy ra 80 điểm sạt lở, 117 trận dông, lốc, sét, nhất là lũ đến sớm và trên biến động II; mặc dù đã giảm thiểu nhưng thiên tai đã làm 10 người chết và mất tích (chiếm 4% cả nước), thiệt hại ước tính khoảng 110 tỷ đồng (chiếm 1% cả nước).

“Năm 2019 dự kiến tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến bất thường, trong những tháng đầu năm tại khu vực Nam Bộ xảy ra 1 cơn bão (bão số 1) 76 trận dông, lốc sét, 188 điểm sạt lở, làm 5 người chết, 19 người bị thương và thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, tài sản của nhân dân. Cùng với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thời tiết, thiên tai...”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, thiên tai và biến đổi khí hậu là những vấn đề phát triển xuyên suốt, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ và các tỉnh. ĐBSCL là một ví dụ điển hình không thể tránh khỏi thiên tai và biến đổi khí hậu. Việc quy hoạch tổng hợp, khung đầu tư rủi ro và quản trị dự đoán sẽ giúp ĐBSCL cũng như Việt Nam sẽ phát triển bền vững trước biến đổi khí hậu.

Hiện các địa phương trong khu vực phía Nam đã tập trung triển khai các quy định của Luật PCTT và văn bản hướng dẫn, trong đó kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp theo Nghị định 160/2018/NĐ-CP, tất cả 19/19 tỉnh, thành phố hoàn thành kiện toàn Ban Chỉ huy, trong đó 2/19 tỉnh (Đồng Tháp, An Giang) thành lập Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH, PCTT-TKCN; Văn phòng thường trực các tỉnh đều do Chi cục Thủy lợi kiêm nhiệm (riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Văn phòng chuyên trách).

Quỹ PCTT đã có 19/19 tỉnh, thành phố ban hành Quyết định thành lập Cơ quan quản lý Quỹ (100%); 16/19 tỉnh đã thu quỹ với tổng kinh phí là 1.118/2.360 tỷ đồng cả nước (chiếm 47%); chi 431/918 tỷ đồng cả nước (chiếm 47%); đây là khu vực thu quỹ lớn nhất cả nước (điển hình là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương).

TRỌNG LINH - MINH ĐẢM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dbscl-phong-thu-truoc-thien-tai-bat-thuong-post250516.html