ĐBSCL dùng lu, bể xi măng trữ nước chống hạn

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để chuẩn bị cho mùa khô khắc nghiệt năm sau, người dân ĐBSCL phải chủ động trữ nước ngọt ngay từ bây giờ.

Trao đổi với trên báo Người lao động, Ths Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cho hay, xuất hiện những yếu tố cho thấy mùa hạn khốc liệt vào năm sau.

Thông thường, lượng nước qua 2 trạm Stung Treng và Kratie (Campuchia) sẽ xác định mùa lũ về ĐBSCL có lớn hay không. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, lượng nước qua 2 trạm này, dù có lúc lên xuống, cũng chỉ tương đương với năm 2019 và vẫn ở ngưỡng thấp nhất lịch sử.

Ngày 9/9, tại trạm Tân Châu (tỉnh An Giang), mực nước cao nhất đo được chỉ 1,45m, thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm.

"Năm 2019, còn có trận bão tháng 8 làm nước lên nhanh, sau đó cũng giảm xuống nhanh nhưng năm nay không có bão nên nước về thấp và xuất hiện những yếu tố cho thấy mùa hạn khốc liệt vào năm sau", ông Vinh nhận định.

Nhưng theo ông Vinh, còn tùy vào lượng mưa tại chỗ và mưa trên thượng nguồn sẽ quyết định tình hình hạn, mặn. Nếu đầu năm sau có mưa sớm, mưa trái mùa, hạn mặn có thể được cải thiện. Ông Vinh khuyến cáo nông dân nên xoay chuyển vụ lúa đông xuân 2020-2021 sớm hơn và tích cực trữ nước càng nhiều càng tốt.

Dự báo năm 2021 ĐBSCL sẽ có một mùa khô khắc nghiệt

Dự báo năm 2021 ĐBSCL sẽ có một mùa khô khắc nghiệt

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cũng khuyến cáo người dân vùng ven biển cần trữ nước mưa cho mùa khô tới và hạn chế trồng lúa để tránh thiệt hại.

"Bà con nên trữ nước mưa bằng mọi vật chứa có thể như: lu, bể ximăng, lót bạt nhựa, nạo vét kênh mương, ao, đìa... càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, nông dân nên giảm trồng lúa vụ đông xuân trong mùa khô tới để tiết kiệm nước", PGS.TS Lê Anh Tuấn lưu ý.

Ths Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái cho rằng, không nên tiếp tục xây dựng các vùng ngọt hóa để "lấn ngọt vào vùng mặn" để canh tác nước ngọt như trước đây vì chắc chắn sẽ "thất bại" trong những năm hạn, mặn cực đoan. Các vùng kiểm soát mặn cần có đủ độ lùi sâu vào đất liền mới có thể giữ vững đến hết mùa khô.

Theo phân tích của ThS Nguyễn Hữu Thiện, các công trình ngăn mặn lại có tác dụng phụ rất nghiêm trọng là làm sông ngòi yếu hoặc chảy lờ đờ, thiếu ôxy, mất khả năng tự làm sạch và dễ trở thành những "dòng sông đen".

"Cần ưu tiên là nước ngọt cho sinh hoạt ở vùng ven biển và phải tách riêng việc này ra khỏi các công trình ngăn mặn. Đó là vì nước ở các công trình ngăn mặn tích tụ ô nhiễm trong mùa khô, không thể sử dụng cho sinh hoạt được", ông Thiện cảnh báo.

Cũng từng bày tỏ quan điểm về vấn đề hạn mặn ở ĐBSCL, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, để chống xâm nhập mặn, nước biển dâng, giải quyết tình trạng khô hạn cần đặt vấn đề nối các kênh rạch của các tỉnh miền Nam thành một hệ thống, tỉnh nào thừa nước thì chuyển sang nơi thiếu.

Vị chuyên gia thừa nhận đây là một vấn đề lớn, dù về mặt kỹ thuật là có thể làm được, song về mặt tâm lý không phải địa phương nào cũng sẵn sàng chuyển nước sang tỉnh khác. Chưa kể, vẫn có nhiều quan điểm không nên chống mặn, phải coi nước mặn là nguồn tài nguyên để nuôi tôm, cá.

"Nhưng thế giới đã rút ra tổng kết rằng nếu vùng nào không có nước ngọt thì ở đó sẽ không có dân. Nếu ĐBSCL không còn nước ngọt thì người dân sẽ di cư. Cho nên, muốn có dân thì phải có nước ngọt, cần có một chương trình ngọt hóa để người dân có nước sinh hoạt, hoa màu có nước tưới tiêu. Để làm được việc này cần có quyết tâm của Nhà nước và sự chấp hành của các địa phương và người dân", nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nói.

Mới đây, Thủ tướng đã có Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL.

Đáng lưu ý, trong chỉ thị có yêu cầu các tỉnh, thành chủ động thực hiện sớm việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn...; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt để xây dựng giải pháp và bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt phù hợp với từng vùng để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.

Minh Thái(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/dbscl-dung-lu-be-xi-mang-tru-nuoc-chong-han-3418945/