ĐBSCL đồng loạt 'kêu' thiếu y bác sĩ

Tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2018, 13 tỉnh, thành ở khu vực này đã đồng loạt lên tiếng 'kêu' thiếu nguồn nhân lực y, bác sĩ phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và yêu cầu đơn vị đào tạo là trường Đại học Y dược Cần Thơ phải tăng chỉ tiêu cho các địa phương.

Các đại biểu chủ trì hội nghị diễn ra ở Cần Thơ vào chiều 7-8. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị diễn ra hôm nay, 7-8, ở thành phố Cần Thơ, ông Trần Viết An, Trưởng phòng đào tạo đại học thuộc trường Đại học Y dược thành phố Cần Thơ, đơn vị giữ vai trò đào tạo nguồn nhân lực y, bác sĩ có trình độ đại học, sau đại học ở ĐBSCL cho biết, trong năm 2018 trường có 1.229 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp, trong đó, ngành y đa khoa có 624, y cổ truyền có 41, y học dự phòng 67, răng hàm mặt 75, dược 210, điều dưỡng 86, xét nghiệm 91, y tế công cộng 35.

Theo ông An, chỉ tiêu đào tạo được tuyển sinh trong năm 2018 là 1.450, trong đó, có 410 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng.

So với con số vừa tốt nghiệp, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 có tăng 221 chỉ tiêu, nhưng so với nhu cầu, thì chỉ tiêu phân giao cho các địa phương trong vùng ĐBSCL vẫn thấp và lãnh đạo ngành y tế của các địa phương đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu phải nâng chỉ tiêu đào tạo.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết, về phân bổ chỉ tiêu đào tạo tại Trường đại học Y dược Cần Thơ thì Sở Y tế tỉnh Hậu Giang xin đào tạo hệ chính quy 30 chỉ tiêu y đa khoa, nhưng trường chỉ cho 15 chỉ tiêu; còn ngành hiếm (lao, tâm thần, pháp y...) xin 14 chỉ tiêu nhưng chỉ được 10 chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho rằng, thời gian qua, Trường Đại học Y dược Cần Thơ đã hỗ trợ tích cực vào việc đào tạo nguồn lực y tế cho địa phương. “Đây là nguồn lực rất quan trọng, nếu không có nguồn lực này thì cũng rất khó khăn”, ông nhấn mạnh, nhưng cho rằng việc đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ sử dụng địa phương chỉ được giao 3 chỉ tiêu là rất thấp. “Nếu được thì mong nhà trường xem xét bổ sung thêm vì nhu cầu của địa phương đang rất cần”, ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, đối với việc đào tạo chuyên ngành hiếm, thì địa phương muốn trường Đại học Y dược Cần Thơ bổ sung cho địa phương thêm 5 chỉ tiêu đào tạo, trong khi đào tạo liên thông cũng xin thêm 5 chỉ tiêu.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân ở khu vực ĐBSCL còn khá thấp, mà cụ thể năm 2017 bình quân bác sĩ trên vạn dân là 7,2 và dược sĩ là 1,22; năm 2018 khoảng 7,85 bác sĩ/vạn dân và 1,39 dược sĩ/vạn dân.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276675/dbscl-dong-loat-keu-thieu-y-bac-si.html