ĐBSCL: Đối mặt 2 đợt mặn cao điểm trong tháng 3, giá nước ngọt tăng cao

ĐBSCL có thể sẽ phải đối mặt với hai đợt mặn cao điểm mới vào cuối tháng giêng và rằm tháng hai âm lịch. Xuất hiện tình trạng khan hiếm nước ngọt.

ĐBSCL: Xâm nhập mặn tiếp tục lên cao từ 11/3 - 15/3 và 27/3 - 31/3

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, tuần qua (từ ngày 26/2 - 4/3), dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông có xu thế giảm. Dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng theo triều. Mực nước lớn nhất ngày 4/3 tại trạm Tân Châu đạt 1,35m, cao hơn 0,38m so với năm 2016 và cao hơn 0,29m so với năm 2020 ở cùng thời kỳ. Tại trạm Châu Đốc mực nước cao nhất đạt 1,52m, cao hơn 0,42m so với năm 2016 và cao hơn 0,42m so với năm 2020 ở cùng thời kỳ.

 Dự báo trong tháng 3 này, ĐBSCL có thể phải đối mặt với hai đợt xâm nhập mặn mới. Ảnh: Minh Đảm.

Dự báo trong tháng 3 này, ĐBSCL có thể phải đối mặt với hai đợt xâm nhập mặn mới. Ảnh: Minh Đảm.

Dự báo từ ngày 5/3 đến 12/3 mặn có xu thế giảm nhưng sẽ tăng trở lại vào kỳ 12 - 15/3, cuối tháng giêng âm lịch. Trong thời gian này, ranh mặn 4‰ có thể xâm nhập vào sâu nhất trên dòng chính. Ở các cửa sông Cửu Long từ 48 - 70km, 75 - 90km trên sông Vàm Cỏ và 50 - 55km trên sông Cái Lớn. Tuy nhiên, do không xuất hiện mưa và nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào đầu nguồn nên cần đề phòng gió chướng mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột trên các cửa sông Cửu Long.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam tiếp tục khuyến cáo các địa phương vùng ÐBSCL chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn trong tháng 3 như: vận hành hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, lấy nước phù hợp với các diễn biến nguồn nước…

Thi công đập tạm ngăn mặn ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với vùng thượng ĐBSCL, cần tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên đề phòng hạn hán ở các vùng này. Đặc biệt là vùng ven biển ĐBSCL, các địa phương cần chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt, kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất giảm thiểu thiệt hại mặn lên cao ở tháng 3.

Còn đối với vùng giữa ĐBSCL xâm nhập mặn cao nhất trên các cửa sông Cửu Long trong tháng vào các kỳ triều cường 11/3-15/3 và 27/3-31/3 (rằm tháng 2 âm lịch), các địa phương chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với mặn tăng trở lại ở các kì triều cường.

Bến Tre: Khan hiếm nước ngọt, có nơi giá nước hơn 50.000 đồng/khối

Hiện nay, ĐBSCL đang vào cao điểm của mùa khô hạn. Tình trạng nước ngọt bị nhiễm mặn đã xảy ra ở nhiều địa phương ven biển. Tại xã Thạnh Phước (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước lấy từ hạ nguồn sông Ba Lai chưa bị nhiễm mặn nặng nhưng người dân cho biết nguồn nước máy này vẫn không thể dùng nấu ăn được.

Phần lớn người dân, cơ quan, trường học đều phải sử dụng nước sinh hoạt với vị lơ lớ có giá khoảng 10.000 đồng/khối. Dù biết rằng, nguồn nước này không tốt cho sức khỏe nhưng không còn nguồn nước nào để thay thế. Riêng nước để nấu ăn, uống thì người dân phải xây hồ, lu, bể dự trữ nước mưa và phải sử dụng rất tiết kiệm.

Ông Kiều Văn Từ, ở ấp 2, xã Thạnh Phước cho biết: “Nước ở vùng ven biển không có ngọt, nhiễm mặn rồi. Nước uống thì dùng nước mưa, do mình dự trữ. Nhà tôi có 7 - 8 cái hồ bự, không sợ nước hụt chỉ sợ thiếu nước sinh hoạt thôi”.

Dự trữ núoc ngọt tưới cây mùa khô ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Võ Bằng Trúc, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết: Theo chỉ tiêu chất lượng nước vẫn đạt theo yêu cầu, còn sử dụng được. Nếu tình hình mặn xâm nhập gay gắt hơn thì UBND xã sẽ sử dụng 4 hệ thống lọc nước mặn R.O để cung cấp cho người dân như những năm trước. Hiện tại, UBND xã tuyên truyền người dân trữ nước lại cho thời gian tới.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng như nhiều hộ dân ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre phải sử dụng nguồn nước cấp từ trạm cấp nước tập trung bị nhiễm mặn gần 1‰ cho việc tắm gội, giặt giũ. Để chủ động ứng phó, gia đình bà Tuyến đã dự trữ nước mưa trong lu hồ để nấu ăn, uống. “Nước này thì dùng để giặt đồ, tắm với rửa, nấu ăn thì có nước mưa. Vợ chồng tôi phải dùng nước tiết kiệm nhất”, bà Tuyến cho biết.

Không chỉ riêng vùng ven biển mới thiếu nước ngọt, tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội đồng dẫn đến tình trạng khan hiếm nước ngọt đã xảy ra ở tỉnh Bến Tre. Nhiều hệ thống sông, rạch ở các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú nước bị nhiễm mặn trên 4‰.

Người dân ven biển ở Bến Tre dự trữ nước mưa dùng trong nấu nướng khi nước máy bị nhiễm mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Trong khi đó, phần lớn địa bàn tỉnh Bến Tre mạch nước ngầm đều bị nhiễm mặn nên các nhà máy nước phải lấy nguồn nước mặt để xử lý phục vụ cho người dân. Thời điểm này, một số trạm cấp nước tập trung ở huyện Giồng Trôm, Bình Đại phải sử dụng nguồn nước ngọt do sà lan chở từ thượng nguồn của sông Tiền về pha trộn với nguồn nước tại chỗ cung ứng cho người dân sinh hoạt. Do chi phí tăng nên ở nhiều khu vực của huyện Giồng Trôm người dân được thông báo từ đơn vị cấp nước là phí nước sẽ tăng lên 51.500 đồng/m3, cao gấp 5 lần so với giá bình thường.

Ông Trần Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Bến Tre cho biết, giá nước này áp dụng theo Quyết định số 03 do UBND tỉnh Bến Tre ban hành ngày 9/2/2021, trong đó có tính chi phí vận chuyển và các chi phí tăng thêm như hóa chất để khử mặn, điện bơm…

“Công ty cũng đã phát hành hóa đơn kỳ 2 rồi nhưng chưa thu, sắp tới là hóa đơn kỳ 3 cũng chưa tính đơn giá mới. Nguồn nước thô của nhà máy bị xâm nhập mặn. Tuy nhiên, đơn vị cấp nước phải có giải pháp chở nước hay lọc bằng máy RO mới được thu giá mới. Chúng tôi đã trình Sở Tài chính, chỉ tính những chi phí trực tiếp như: chi phí vận chuyển, điện… chứ không tính lợi nhuận trong đó”, ông Trần Hùng cho biết.

MINH ĐẢM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dbscl-doi-mat-2-dot-man-cao-diem-trong-thang-3-gia-nuoc-ngot-tang-cao-d285624.html