ĐBSCL cần hướng đến liên kết toàn vùng phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng nhấn mạnh ĐBSCL cần xác định tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến liên kết toàn vùng phát triển nhanh, bền vững, đột phá, không thua kém các vùng khác về mọi mặt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc - Ảnh: TTXVN

Ngày 16.7, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chủ trì buổi làm việc của tiểu ban với các địa phương vùng ĐBSCL và TP.HCM.

Cùng dự có Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương.

Tại buổi làm việc, ý kiến của nhiều địa phương, các bộ ngành cho rằng trước hết vùng ĐBSCL cần nhanh chóng giải quyết "điểm nghẽn" về hệ thống hạ tầng cơ sở, giao thông; có bước đột phá về hệ thống năng lượng; tháo gỡ nút thắt về đất đai, thủy lợi; phát triển liên kết giữa các địa phương trong vùng và với TP.HCM cũng như cả nước...

Phát biểu kết luận, Thủ tướng ghi nhận vùng ĐBSCL đã đạt những kết quả rất lớn trong chiến lược phát triển 10 năm vừa qua và 5 năm gần đây về tăng trưởng kinh tế, công nghiệp chế biến, cải thiện môi trường kinh doanh, các mục tiêu an sinh xã hội…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu những khó khăn như: biến đổi khí hậu, hạ tầng không đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, liên kết vùng còn hạn chế, thu ngân sách chưa đạt yêu cầu, đời sống, thu nhập của một bộ phận người dân còn khó khăn...

Thủ tướng nhấn mạnh vùng cần xác định tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến liên kết toàn vùng phát triển nhanh, bền vững, đột phá, không thua kém các vùng khác về mọi mặt. Để làm được điều đó, cần có những thay đổi đột phá về tư duy và hành động, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt ở vùng này.

Giải pháp lớn là khẩn trương hoàn thành quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành với tư duy mới, tầm nhìn mới. Quy hoạch phải gắn vùng ĐBSCL với TP.HCM, Cần Thơ; kết nối theo hướng cùng có lợi và vấn đề tiểu vùng được đặt ra. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì triển khai, phối hợp các địa phương, bộ ngành, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu, xây dựng và dự kiến giữa năm 2020 trình để thông qua.

Giải pháp tiếp theo là xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch; trong đó ngân sách T.Ư cần bổ sung thêm khoảng trên 45.000 tỉ đồng giai đoạn 2016 - 2020 từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA dành riêng cho các dự án quan trọng mang tính liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho đời sống, sản xuất, các dự án giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt cho phát triển vùng ĐBSCL...

Song song đó, vùng cần chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xem đây là chủ trương cấp bách, là nền tảng để phát triển; tập trung xây dựng đô thị thành chuỗi, tạo động lực cho phát triển, từ đó chuyển dịch cơ cấu dân cư, lao động…

Cùng ngày, Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến thăm gia đình cán bộ lão thành trên địa bàn TP.Cần Thơ.

TTXVN

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/dbscl-can-huong-den-lien-ket-toan-vung-phat-trien-nhanh-ben-vung-1104182.html