ĐBQH: Xử phạt 40 triệu đồng lái xe uống rượu chưa thể hiện nhân văn

'Đối với hành vi gây tai nạn là hành động xảy ra sau khi lái xe uống rượu bia, có khép vào tội giết người hay không thì nó cũng đã xảy ra hậu quả đối với xã hội. Và chi phí cơ hội đó không ai có thể bù đắp được và tôi cho rằng nó chưa thể hiện tính nhân văn của Nhà nước và xã hội'.

Đây là quan điểm của ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) trả lời Infonet xung quanh dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia và đề xuất mới nhất của Bộ GTVT xử phạt 40 triệu đồng với người lái xe có nồng độ cồn vượt ngưỡng.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)

Nhiều điều khoản cốt tử càng lúc càng bị rút ra

Từng có bài phát biểu rất sâu sắc, có thể nói “thức tỉnh” không ít người trước tác hại của rượu bia trước nghị trường Quốc hội khi góp ý về dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, ông đánh giá như thế nào về việc qua nhiều lần thảo luận, dự thảo luật đã yếu đi rất nhiều. Từ việc (thêm một phương án mới đặt tên dự án luật “dài dòng và khó hiểu” cho đến việc bỏ ngỏ thị trường bia (dưới 15 độ) khi không cấm quảng cáo…. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Về quan điểm của tôi tại kỳ 6 đối với các chế định về quảng cáo rượu bia, hạn chế tính sẵn có của rượu bia … nay tôi vẫn bảo lưu và sẽ tiếp tục theo đuổi vấn trên tại kỳ họp sắp tới.

Đến bây giờ hậu quả cũng như tác hại của rượu bia ngày càng được xã hội nhận thức rõ ràng hơn. Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp vừa qua, tôi nhận được rất nhiều kiến nghị của cô bác cử tri đòi hỏi cần có một dự luật phải chặt chẽ, với các chế tài đủ mạnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại của rượu bia.

Và với tư cách là một người đại diện cho tâm nguyện của cử tri, những kiến nghị đó sẽ ngày càng khẳng định những quan điểm và những giá trị mà tôi đang theo đuổi chỉ với một mục đích duy nhất là bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tất cả những vấn đề mà bạn đề cập chỉ là đề xuất, là tiếng nói của một số cá nhân và đó chưa phải là những vấn đề đã được quyết định, tôi xin không bình về những quan điểm đó.

Tuy nhiên, tôi xin lưu ý, những thông tin mà rượu bia là nguyên nhân gây nên mà báo chí đã đưa thời gian qua như thế chưa đủ để chúng ta cùng nhau nhìn về một hướng hay sao?.

Qua các hội thảo mà Bộ Y tế tổ chức tôi tin rằng xã hội có đủ các luận cứ khoa học để cho ra đời một dự luật theo đúng tâm nguyện của Nhân dân và các Nghị quyết của Đảng. Quốc hội chưa chính thức thảo luận lần cuối tại nghị trường nhưng tôi tin tiếng nói ủng hộ cái đúng của các đại biểu sẽ lan tỏa không chỉ trong nghị trường mà còn cả ở trong xã hội.

Như ông nói, đó chưa phải quyết định cuối cùng nhưng rõ ràng có những nội dung đã bị bỏ đi, ông có cảm thấy thất vọng?

Tôi không thất vọng mà chỉ là bị đẩy từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về các điều khoản được xem là cốt tử, là xương sống của dự luật càng lúc càng bị rút ra sau mỗi lần cho ý kiến, thay vì sau mỗi lần cho ý kiến nó phải được những người có trách nhiệm gia cố kỹ hơn.

Nhiều đại biểu đã hỏi điều gì đã xảy ra. Và khi nó diễn ra thì tôi nghĩ lẽ ra mình không có gì phải bất ngờ khi đặt các vấn đề và sự kiện bên cạnh nhau.

Đề xuất xử phạt lái xe 40 triệu nếu nồng độ cồn vượt ngưỡng vấp phải nhiều ý kiến khác nhau

Điều rõ nhất có thể thấy là sự giằng xé rất lớn giữa các nhóm lợi ích đối với dự luật này. Và tôi nghĩ Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải trả lời thỏa đáng những vấn đề bị bỏ ra vì đó là những vấn đề được hình thành từ những luận cứ khoa học, từ các báo cáo rất có giá trị của những tổ chức uy tín, đây cũng là vấn đề nhiều đại biểu đã đặt ra tại kỳ họp thứ 6.

Một số thành viên ban soạn thảo dự án luật đã nhiều lần bày tỏ sự “khó hiểu” về việc này. Thậm chí, có không ít các nhà chuyên môn trong lĩnh vực y tế nêu ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp rượu bia đã tác động mạnh mẽ đến quá trình làm luật?

Bản thân tôi cũng từng dự hội nghị của ngành rượu bia góp ý dự thảo luật. Như tôi đã nói ngay từ đầu. Dự luật này là sự giằng xé rất lớn giữa các nhóm lợi ích. Và cũng có không ít bài báo cho rằng ngành rượu bia đã tác động vào quá trình làm luật.

Tôi chưa đủ luận cứ để cho rằng họ tác động mạnh mẽ vào dự luật hay không và sau này nếu có đủ luận cứ cho thấy họ tác động tôi nghĩ cũng là bình thường vì đó cũng là nhóm lợi ích và quan trọng là nhóm lợi ích này chịu tác động trực tiếp của dự luật.

Tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách không cần phải làm gì lớn lao, đao to búa lớn gì cả, cứ nhớ và cứ đặt lợi ích của Nhân dân, lợi ích sức khỏe Nhân dân làm kim chỉ nam trong tư duy và hành động của mình thì sẽ dễ dàng bước qua những lợi ích cá nhân thôi.

Mức hay hình thức xử phạt rất cao cũng chỉ là tạm thời

Trong khi dự án luật bị cho là đã rút ra những điều được cho là “cốt tử” là “xương sống” để phòng chống tác hại của rượu bia thì ngoài kia,vẫn liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm mà nguyên nhân đều bắt nguồn từ rượu bia. Nhiều ĐBQH cho rằng phải khép lái xe uống rượu bia gây tai nạn vào tội giết người (áp dụng luật hình sự). Thế nhưng mới đây nhất, Bộ GTVT lại đề xuất chỉ phạt lái xe có nồng độ cồn vượt ngưỡng 40 triệu và tạm giữ bằng lái xe 24 tháng… Với đề xuất của Bộ GTVT, theo ông liệu có quá “nương tay” đối với việc lạm dụng rượu bia hiện nay?

Tôi cho rằng mức hay hình thức xử phạt cho dù rất cao nhưng cũng chỉ là tạm thời và chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn, việc đã rồi. Phần gốc mới là nguyên nhân vấn đề. Mà vấn đề ở đây là phải hạn chế tính sẵn có của rượu bia để giảm dần việc tiếp cận, sử dụng và tác hại của nó. Và để làm được vấn đề trên phải đòi hỏi hàng loạt giải pháp, biện pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Mà để có các giải pháp đó đòi hỏi một kỹ thuật lập pháp khoa học và chặt chẽ đối với dự luật này.

Đối với hành vi gây tai nạn là hành động xảy ra sau khi lái xe uống rượu bia, có khép vào tội giết người hay không thì nó cũng đã xảy ra hậu quả đối với xã hội. Và chi phí cơ hội đó không ai có thể bù đắp được và tôi cho rằng nó chưa thể hiện tính nhân văn của Nhà nước và xã hội.

Vì sao chúng ta có đủ nguồn lực để ăn ngừa phần gốc của vấn đề thì không tập trung, chúng ta lại vất vả tập trung nguồn lực để giải quyết phần ngọn trong khi thời gian qua việc giải quyết phần ngọn đó còn chưa thực sự đảm bảo tính liêm chính trong quản lý nhà nước dẫn đến hiệu quả quản lý những vấn đề trên gây không ít những phản ứng chưa tốt của xã hội.

Cái nhân văn là mình ngay từ đầu phải tạo ra một môi trường sống tích cực, an toàn, an lành cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất sự tiêu dùng rượu bia của người dân để tránh hạn chế tai nạn xảy ra. Tôi cho rằng đó mới là xã hội mà chúng ta nên xây dựng và tôi tin là với nguồn lực hiện có không quá khó khăn để tổ chức thực hiện các giải pháp và biện pháp được chế định trong dự luật.

Xin cảm ơn ông!

Xin hãy một lần đến những nơi cấp cứu người tai nạn vì rượu bia hay một lần nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng vì bia, rượu. Chúng ta bảo vệ sức khỏe của nhân dân hay bảo vệ khoản thu 50.000 tỉ đồng/năm?. Vậy mà không ít người lại cổ súy cho “văn hóa uống”. Không nên ngụy biện bằng “uống có trách nhiệm” hay gì khác. Không nên cài cắm hay đánh tráo khái niệm. Đã đến lúc phải hành động để đưa đất nước ra khỏi những vị trí không lấy gì làm tốt đẹp”, ĐB Phạm Trọng Nhân nói trước nghị trường ngày 16/11/2018.

N. Huyền (thực hiện)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/dbqh-xu-phat-40-trieu-dong-lai-xe-uong-ruou-chua-the-hien-nhan-van-post298872.info