ĐBQH: Vụ chùa Ba Vàng và bà Yến bị xử phạt đúng người, đúng tội chưa?

Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng VHTT&DL về vụ việc chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vào chiều 5/6 tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề cập trực diện đến một vấn đề đang gây bức xúc cử tri và nhân dân liên quan đến vụ việc chùa Ba Vàng (Quảng Ninh).

Cần thiết truy tố bà Phạm Thị Yến trước pháp luật?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng là việc làm vừa vi phạm luật pháp vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hóa cần lên án và xử lý.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn.

Chính quyền địa phương, UBND thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Yến (người tuyên truyền thỉnh vong, “cúng oan gia trái chủ” – PV) với mức phạt 5 triệu đồng là mức phạt cao nhất trong Nghị định 158.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tiền là một phần, nhưng phải tăng xử phạt và làm thế nào để lên án, phê phán hành vi phản văn hóa, phi đạo đức. Kết hợp cả hai việc vừa xử phạt, vừa dư luận xã hội sẽ tốt hơn.

Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh, hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan ở chùa Ba Vàng gồm có thỉnh vong thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, nhận thức và văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân. Trong đó có tác động trực tiếp đến người tham dự thỉnh vong và tác động gián tiếp đến người khác qua mạng xã hội.

Đại biểu cho rằng, việc xử phạt như vừa qua là rất nhẹ và đặt vấn đề với vai trò quản lý ngành, Bộ trưởng có nghĩ đến việc xem xét việc xử phạt đúng người, đúng tội hay chưa? Cơ quan pháp luật có cần thiết truy tố bà Phạm Thị Yến trước pháp luật hay không?

Nữ đại biểu một lần nữa đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết giải pháp chống tái diễn tình trạng như ở chùa Ba Vàng, ngăn chặn triệt để mê tín dị đoan ở cơ sở tâm linh, vì sau khi bị xử phạt, bà Yến tiếp tục tuyên truyền, đưa lên mạng, thách thức cơ quan pháp luật.

Nét đẹp lễ hội bị biến mất

Quan tâm tới vấn đề văn hóa tín ngưỡng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta có gần 8.000 lễ hội mỗi năm diễn ra rầm rộ, trong đó có không ít lễ hội diễn ra phản cảm, lễ hội nào cũng gắn đến yếu tố cầu may, chọi trâu, chém lợn, đấu vật, cướp phẩm vật, lễ hội biến tướng. Nét đẹp lễ hội bị biến mất thay vào đó là cúng sao giải hạn như chùa Ba Vàng, xem chỉ tay, xem tử vi, tướng số. Không ai phân biệt được đâu là lễ hội cầu may, cầu lợi hay lễ hội mê tín dị đoan.

Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) nêu ý kiến, giáo lý đạo Phật không có dâng sao giải hạn, thỉnh vong, gọi hồn, hoặc đốt vàng mã để chuyển họa thành phúc, hoặc chuyển hung thành cát. Tuy nhiên, các hoạt động mê tín dị đoan này vẫn ngang nhiên tồn tại ở nhiều nơi thờ tự của Phật giáo, như chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, chùa Phúc Khánh ở Hà Nội, khiến hình ảnh của đạo Phật bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau). Ảnh:Quochoi.vn

Đại biểu đạt câu hỏi: “Quản lý của ngành Văn hóa ở địa phương xảy ra những hiện tượng trên như thế nào? Trách nhiệm của người đứng đầu ngành Văn hóa các địa phương và trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng như thế nào”.

Những vi phạm ở chùa Phúc Khánh và chùa Ba Vàng khiến dư luận bất bình, phẫn nộ và có dấu hiệu của vi phạm pháp luật hình sự, nhưng đến nay việc xử lý chưa đến nơi đến chốn, Bộ trưởng có chủ động phối hợp với ngành công an để điều tra, làm rõ các dấu hiệu này không?”.

Tuy nhiên, do hết thời lượng phiên chất vấn chiều nay nên những câu hỏi của các đại biểu sẽ được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời vào sáng mai (6/6)./.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/dbqh-vu-chua-ba-vang-va-ba-yen-bi-xu-phat-dung-nguoi-dung-toi-chua-917762.vov