ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Khai trừ ông Võ Hòa Thuận ra khỏi Đảng là đúng

'Đạo đức của một đảng viên phải cao hơn đạo đức của một người dân, phải biết tôn sư trọng đạo', ĐBQH, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, việc Đảng ủy xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An kỷ luật khai trừ đảng ông Võ Hòa Thuận, người có liên quan đến vụ cô giáo N Trường tiểu học Bình Chánh quỳ xin lỗi 40 phút là hoàn toàn hợp lý.

Việc ép cô giáo quỳ gối xin lỗi là hành vi không thể chấp nhận ở một Đảng viên. Đảng viên phải gương mẫu hơn người dân bình thường trong vấn đề tôn sư trọng đạo. Mà người dân bình thường họ đã tôn sư trọng đạo rồi thì tại sao một đảng viên lại không làm được điều đó?”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.

Theo ông Nghĩa, cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng hành vi cô giáo phạt học sinh quỳ khi có lỗi trong lớp là chưa thực sự phù hợp, thậm chí phản giáo dục.

“Ở nhà, bố mẹ có thể phạt lỗi con bằng các hình thức nặng hơn như bắt úp mặt vào tường, quỳ gối thậm chí là đánh đòn. Nhưng nếu áp dụng những hình thức đó vào trong nhà trường là thiếu phù hợp. Cô giáo có thể có mục đích tốt, tuy nhiên phương pháp giáo dục lại sai. Dù vậy, phụ huynh cũng không thể ứng phó bằng cách ép cô giáo quỳ gối xin lỗi được. Điều đó đã vi phạm về mặt đạo đức, đặc biệt là với một đảng viên".

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đã đến lúc, ngoài những quy định của luật pháp thì phải xây dựng một bộ nguyên tắc về ứng xử áp dụng trong nhà trường ở các cấp 1,2,3. Bộ nguyên tắc này sẽ áp dụng cho các thầy cô giáo, người quản lý, phụ huynh và học sinh.

Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra sự việc.

"Vì sao phải xây dựng? Bởi vì, pháp luật thì đã có nhưng hiện nay các quan hệ xã hội diễn biến khá nhanh, phức tạp. Sự việc liên quan đến ông Võ Hòa Thuận và cô giáo N cho thấy cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều chưa có cách ứng xử phù hợp trong nhà trường. Khi người lớn chưa “chuẩn chỉnh” thì trẻ em cũng không thể có được nhận thức và hành vi đúng mực được. Đó là hệ lụy của phương pháp giáo dục lệch chuẩn", ông nói.

Luật sư Nghĩa phân tích: "Lẽ ra ở góc độ của một người từng làm việc trong môi trường luật sư, ông Võ Hòa Thuận cũng phải hiểu và nắm được quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp của mình".

"Đã đến lúc, trong các môi trường xã hội có liên quan đến người dân nhiều như bệnh viện trường học, cần có bộ nguyên tắc ứng xử. Đặc biệt là trường học, nơi có nhiều học sinh, trẻ em, mầm non tương lai của xã hội. Quy tắc ứng xử này sẽ là vừa quản lý vừa giáo dục vừa hướng dẫn các hành vi cụ thể phát sinh trong nhà trường", ông bày tỏ.

Đào Bích

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/dbqh-truong-trong-nghia-khai-tru-ong-vo-hoa-thuan-ra-khoi-dang-la-dung-595060.ldo