ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Công dân phải có quyền khởi kiện nếu bị hoãn xuất cảnh không đúng

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc quy định các trường hợp bị hoãn xuất nhập cảnh là cần thiết, tuy nhiên ông lưu ý đến quyền khởi kiện của công dân nếu quyết định của cơ quan công quyền bị sai.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Chiều nay (28/10), Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. Một trong những nội dung đáng chú ý là các đại biểu đã thảo luận về các quy định của Điều 36 (các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh) và Điều 37 (thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh).

Bình luận về các điều luật này, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng tạm hoãn xuất, nhập cảnh là điều rất nhạy cảm, “chẳng những đối với Việt Nam mà đây là một thước đo của cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Ông Nghĩa đồng tình với quy định tại Điều 36 dự thảo luật: bị can, bị cáo, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố và qua xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì cần phải thực hiện hoãn xuất cảnh.

Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý: khi nói có đủ căn cứ để xác định thì căn cứ này là do ai quyết định và nếu quyết định này là sai thì sao?

Theo ông, quyết định này thường thể hiện một là quyết định tư pháp hoặc là quyết định hành chính. Ở trường hợp là quyết định tư pháp, người ra quyết định là Chánh án tòa án nhân dân tối cao. Và “nếu công dân thấy quyết định đó sai thì công dân có quyền khởi kiện, có quyền phản đối quyết định đó bằng một hành vi tư pháp”.

Ở trường hợp đó là một quyết định hành chính, công dân cũng phải có quyền khởi kiện hành chính giống như các quyết định hành chính khác về thuế, về hải quan… khi thấy đó là quyết định sai và ảnh hưởng đến quyền của công dân.

“Trong các trường hợp đó, chúng ta phải thiết kế lại các quy định về tố tụng, đặc biệt là về tòa án hành chính để cho công dân có quyền khởi kiện chứ không chỉ có khiếu nại, tố cáo, không chỉ đòi bồi thường”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Phân tích một số chi tiết cụ thể của Điều 36, ông Nghĩa dẫn khoản 4 (“người phải thi hành án dân sự" bị hoãn xuất cảnh) và cho rằng viết như vậy là rất rộng.

“Tôi đề nghị chỉ ghi người vi phạm các nghĩa vụ và việc xuất cảnh của họ gây ảnh hưởng xấu đến việc giải quyết các quyền lợi của nhà nước, của các công dân khác.

“Nếu chúng ta chỉ nói là ‘khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích’ thì cái chữ ‘ảnh hưởng’ không nói là ảnh hưởng xấu hay ảnh hưởng tốt.

“Ví dụ một người đang có công nợ, nhưng nếu họ đi ra nước ngoài để đòi nợ, họ ký được hợp đồng lớn, họ tháo gỡ những hàng hóa được chuyển về Việt Nam thì họ đi nước ngoài là cần thiết và lúc đó lại tốt cho việc giải quyết các lợi ích.

“Cho nên, chúng ta không nên ghi chữ ‘ảnh hưởng’ này mà nên ghi là ‘ảnh hưởng xấu’ hoặc ‘cản trở đến việc giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp’, ‘ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước’", ông Nghĩa góp ý.

Đề nghị bỏ quy định đối với 3 đối tượng tại Điều 36 và Điều 37

Phát biểu tại hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang), chỉ ra: khoản 2, Điều 36 quy định có 3 đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh: người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian thử thách, người được tha tù có điều kiện trước thời hạn và người được hưởng án treo.

Khoản 2 Điều 37 đã quy định về thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh đối với 3 đối tượng này.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng quy định như trên là không chính xác, vì theo khoản 3 Điều 67, khoản 4 Điều 92 và khoản 4 Điều 100 của Luật Thi hành án hình sự thì 3 đối tượng này là 3 đối tượng không được xuất, nhập cảnh.

“Đã không được xuất, nhập cảnh thì làm sao có việc hoãn”, đại biểu Bộ nhấn mạnh.

Đại biểu Bộ cũng chỉ ra: Điều 37 có viện dẫn thẩm quyền tạm hoãn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự không có điều luật nào quy định về thẩm quyền tạm hoãn đối với trường hợp này.

“Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định việc tạm hoãn xuất, nhập cảnh với tư cách là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Mặt khác, theo Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc tạm hoãn chỉ dùng đối với bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và thời hạn tạm hoãn của họ cũng chỉ kết thúc khi bản án có hiệu lực pháp luật.

“Chính vì vậy, tôi đề nghị khoản 2 Điều 36, Điều 37 bỏ quy định đối với 3 đối tượng này”, đại biểu Bộ đề xuất.

Một góp ý đáng chú ý khác là của đại biểu Y Nhàn (đoàn Kon Tum). Theo đại biểu Y Nhàn, khoản 7 Điều 36 quy định hoãn xuất cảnh đối với người bị kiểm tra, thanh tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn.

Đại biểu Y Nhàn cho rằng để phòng ngừa các đối tượng bỏ trốn, sau khi thanh tra, kiểm tra chuyển sang xử lý hình sự, cần tạm hoãn xuất nhập cảnh ngay khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu bỏ trốn hoặc xét thấy cần thiết ngăn chặn, không cần phải là hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như quy định của dự thảo.

Xuân Hải

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dbqh-truong-trong-nghia-cong-dan-phai-co-quyen-khoi-kien-neu-bi-hoan-xuat-canh-khong-dung-20180504224230711.htm