ĐBQH: Tránh tình trạng 'té nước theo mưa' trong tăng giá điện

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng tăng giá điện thời điểm hiện tại là chưa phù hợp dù việc tăng giá điện đã được tính toán và nằm trong lộ trình. Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa tình trạng 'té nước theo mưa'.

Sáng 30/5, tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Bắt đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết có tới 91 đại biểu đăng ký phát biểu.

Tham gia ý kiến về việc tăng giá điện bán lẻ bình quân 8,36% từ ngày 20/3, vấn đề gây bức xúc cử tri thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau cho biết, điều đại biểu và cử tri quan tâm không phải việc tăng giá này đúng quy trình, quy định hay không vì "Chính phủ điều hành thì không thể không đúng quy định".

Thế nhưng, việc tăng giá mặt hàng này chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, làm tăng chi phí đầu vào và tăng giá thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, tiền lương của cán bộ công chức viên chức không tăng.

"Việc tăng giá ảnh hưởng tới đời sống người dân, lạm phát cụ thể ra sao, cần được làm rõ", ông nói và đề nghị Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động kinh doanh ngành điện.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận thì cho rằng, việc tăng giá điện thời điểm hiện tại là chưa phù hợp, dù việc tăng giá điện đã được tính toán và nằm trong lộ trình. Đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, có đúng trình tự, quy định không, nếu sai thì xử lý ra sao.

Ngoài ra, bà Phúc cũng lo ngại việc tăng giá điện dễ tạo hiệu ứng "té nước theo mưa", các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá gây bức xúc cho nhân dân. Bà đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ, giám sát hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp, đề phòng những yếu tố bất thường của thị trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đề cập đến việc giá điện tăng 8,36%, thuế môi trường với xăng cũng tăng từ đầu năm, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng và gây hiệu ứng không nhỏ tới giá các mặt hàng khác trên thị trường.

Cùng với đó là ẩn số giá thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, giảm số đàn 5-6% đã ảnh hưởng lớn tới cung cầu giá thực phẩm. Nếu cung giảm, cầu tăng sẽ đẩy giá tăng cao hơn.

Nữ đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý giá các mặt hàng phải tiến dần tới thị trường, tính đúng, đủ các chi phí cấu thành. Song, bà lưu ý, thời điểm nào cho tăng giá là rất quan trọng, bởi ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng. "Chính phủ cần giải pháp để kiềm chế lạm phát", bà Yến nêu.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) thẳng thắn chỉ rõ: Người dân muốn công khai minh bạch về giá điện và họ có lý do để nghi ngờ mức tăng 0,83% là không chuẩn xác khi số tiền điện mà họ phải trả cho "nhà đèn" trong tháng đầu tiên tăng lên nhiều, thậm chí gấp 2-3 lần so với tháng trước đó.

Ông Cương cho rằng, cần phải lấy giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ làm gốc dù có phân 6 bậc hay bao nhiêu bậc đi nữa.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng nêu ý kiến của cử tri cho rằng, lẽ ra khi kinh tế đất nước phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao thì mức tiêu thụ điện cũng phải tăng. Song thực tế, mức tiêu thụ điện của người dân hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp, chỉ phù hợp với gia đình nghèo ở vùng khó khăn.

"Ngành điện thì cứ tăng giá và đổ cho thời tiết để đỡ phải giải thích nhiều", ông Cương nói. Đại biểu này cũng đề nghị công bố công khai kết luận của Thanh tra Chính phủ về hoạt động của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Trước đó, từ ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36%. Việc tăng giá này nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận, nhiều phản ánh việc hóa đơn điện tăng đột biến sau tăng giá.

Báo cáo gửi Quốc hội giải trình về điều hành giá điện, Chính phủ khẳng định quy trình xây dựng, ban hành giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 và khẳng định đã thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng. Việc tăng giá mặt hàng này được Chính phủ đã xem xét điều chỉnh giá điện theo đúng quy định của Luật Điện lực, Quyết định 24 của Thủ tướng, một số Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời điểm tăng giá điện, theo Chính phủ, được tính toán trên cơ sở đồng bộ với các điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí... Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%, ở mức 3,3-3,9%, thấp hơn mức 4% Quốc hội thông qua.

Ngày 24/5, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh, kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, thu tiền điện của EVN. Dự kiến trong 35 ngày, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra, xác minh toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện từ ngày 20/3 và phương pháp tính giá, thu tiền điện...

Ly Na (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/dbqh-tranh-tinh-trang-te-nuoc-theo-mua-trong-tang-gia-dien-274628.htm