ĐBQH tranh luận với Chủ tịch EVN về giá điện

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng giải trình của EVN không thực sự thuyết phục và hẹn đến phiên chất vấn sẽ trở lại vấn đề này.

Sáng 22/5, thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành khẳng định báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội đã minh bạch về thực trạng chi phí, giá thành điện.

Ông Thành cũng nêu rõ cơ sở việc điều hành điều chỉnh giá điện trong năm 2019 trong đó có việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc điều chỉnh giá khí, giá than bán cho điện, thuế bảo vệ môi trường...

Về phản ánh hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng đột biến, báo cáo của Chính phủ lý giải là do 3 nguyên nhân. Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Hai, tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%. Ba, kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3 năm 2019.

Nói về vấn đề dư luận, Chủ tịch EVN cho biết, trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu rất rõ, trong lần điều chỉnh giá điện và thanh toán tiền chỉ có 11 trường hợp phản ánh trên các phương tiện báo chí. Có 8 trường hợp phản ánh trên mạng xã hội.

“Đối với 11 trường hợp khách hàng phản ánh trên báo chí, EVN cũng đã giải thích và đã thống nhất với giải thích của EVN. 8 trường hợp phản ánh trên mạng xã hội cũng được giải thích và họ đã gỡ thông tin phản ánh trên mạng xã hội. Như vậy, lượng phản ánh không phải là số lớn. Hiện nay EVN có 27 triệu khách hàng sử dụng điện, việc phản ánh 11 trường hợp đã được xử lý”, ông Thành khẳng định.

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành. Ảnh: Tiền phong

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành. Ảnh: Tiền phong

Không thực sự hài lòng với lý giải của Chủ tịch EVN, đại biểu cùng đoàn Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội viện dẫn một số báo cáo của ngành điện.

“Theo báo cáo của anh Dương Quang Thành, có 11 trường hợp kiến nghị về giá điện, nhưng trong báo cáo của Chính phủ nêu rõ có 14.541 kiến nghị của khách hàng. Trong đó có 20% trong số đó thắc mắc về chỉ số công tơ điện, và hóa đơn tiền điện".

Về 3 nguyên nhân trong báo cáo có nêu do sản lượng tiêu thụ, do thời tiết nắng nóng, theo bà Mai, lý do này “không thuyết phục lắm”, bởi theo bà, vào thời điểm tháng 3 thì năm nào cũng nắng nóng vậy.

“Lý do nắng nóng thì có đến mức hóa đơn tăng gấp đôi không?”, báo Tiền phong dẫn lời bà Mai đặt câu hỏi, và cho biết tới đây sẽ nêu vấn đề về giá điện này tại hội trường Quốc hội.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giải trình rõ hơn về câu chuyện giá điện.

Về thời điểm tăng giá tại sao lại là tháng 3, là mùa hè, khiến hóa đơn điện nhiều gia đình tăng đột biến, Phó Thủ tướng cho biết: “20/3 đâu phải mùa hè? Trước 20/3 còn chưa đến rét nàng Bân. Còn có bài thơ “Tháng 3 đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào đời anh”. Chưa có năm nào thời tiết lại trái như năm nay. Và tháng 3, theo quy luật, CPI tăng cao vào tháng 2 là tháng tết, thì tháng 3 giảm rất mạnh. Tháng 3 chúng ta tăng giá điện rồi mà CPI vẫn âm. Như vậy đỡ được chuyện lạm phát kỳ vọng do tác động tâm lý. Cho nên, Chính phủ chọn tăng vào tháng 3”.

Cũng theo Phó thủ tướng, Chính phủ không dự báo được việc tháng 4 nắng như đổ lửa. “Trước đây, đến các bãi biển tháng 4 nhiều nơi còn rét chưa tắm được. Nhưng năm nay, trước 30/4 10 ngày còn nắng như đổ lửa, nhưng đầu tháng 5 thì lại như mùa đông. Lạ thế. Hoa sữa lại nở vào tháng 5. Cái này dự báo không được. Chả có Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5. Cái này phải thông cảm cho Chính phủ”, báo Thanh niên dẫn lời Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, tết không tăng được giá điện, nên nếu tháng 3 không tăng thì tháng 4, tháng 5, tháng 6 còn mùa hè hơn. Nếu để sau tháng 6, tháng 7 thì mức tăng phải gấp đôi thì mới trang trải được khoản 20.000 tỉ biến động đầu vào mua điện của EVN, vì phải tăng giá 1 năm mới đủ trang trải con số này.

Việc công khai, minh bạch giá thành sản xuất kinh doanh điện, tình hình hoạt động của EVN, theo Phó Thủ tướng, cũng được kiểm toán độc lập thực hiện hằng năm, ban kiểm tra giá thành gồm nhiều đơn vị liên quan kiểm tra.

"Thông tin nào nói giá thành điện gánh lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN là thông tin không chính xác. Hiện EVN đã thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, chỉ còn lại vốn tương đương 7,5% tại Công ty CP Tài chính điện lực, đang làm ăn có lãi", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dbqh-tranh-luan-voi-chu-tich-evn-ve-gia-dien-3380519/