ĐBQH tranh luận: Có nên đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào luật doanh nghiệp?

Nên hay không nên đưa đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 20-11.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (trái) tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc quanh đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Đại biểu Trần Quang Chiểu (trái) tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc quanh đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) đồng tình với việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng đưa 5 triệu hộ kinh doanh, trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký vào phạm vi điều chỉnh của luật chứ không chỉ quan tâm tới 700.000 doanh nghiệp.

Theo ông Lộc, về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn thì hộ kinh doanh, trước hết là hộ kinh doanh đã đăng ký, là loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được xem là doanh nghiệp. Nhiều hộ kinh doanh thậm chí có quy mô, số lao động còn lớn hơn công ty.

“Việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đã để lại hệ quả pháp lý. Trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân đóng góp chưa đầy 10% GDP thì được quy định trong Luật Doanh nghiệp, còn hộ kinh doanh – nơi sinh kế của hàng chục triệu người, đóng góp hơn 30% GDP lại chỉ được chế định trong một Nghị định, bị hàng loại hạn chế về quyền kinh doanh”, ông Lộc chỉ ra.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là để đáp ứng tốt hơn nhu cầu hội nhập. Việc được chính danh trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ giúp hộ kinh doanh có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, thụ hưởng nhiều chính sách liên quan. Thu ngân sách nhà nước sẽ tăng lên khi các hộ kinh doanh hoạt động bài bản, minh bạch hơn, giảm thiểu sự thỏa thuận thuế giữa hộ kinh doanh với cán bộ thuế, giảm nhũng nhiều và tham nhũng vặt…

Tranh luận với ý kiến trên, đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) đánh giá các quy định trong dự thảo luật về hộ kinh doanh không mới, chưa đạt kỳ vọng.

“Có chăng, cái lợi đầu tiên là mở mắt ra chúng ta có 5 triệu doanh nghiệp, thay vì 700.000 doanh nghiệp như hiện nay”, ông Chiểu nói và cho rằng ban soạn thảo chưa đánh giá được tác động cụ thể, khi đưa vào thì có khó khăn, bất cập gì.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho biết qua khảo sát ý kiến một số hộ kinh doanh thì gần như tất cả đều không muốn chuyển đổi hình thức kinh doanh lên doanh nghiệp nhằm né nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với lao động, dù họ biết chuyển đổi lên doanh nghiệp, các hộ kinh doanh sẽ nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn.

“Nhiều hộ doanh nghiệp nói nếu chuyển đổi thì nghĩa vụ pháp lý sẽ nhiều hơn, các giấy tờ, thủ tục kê khai phức tạp hơn, tăng chi phí gián tiếp”, bà Thơ nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm quản lý hộ kinh doanh là đúng, là nên và rất cần thiết, để tạo điều kiện và hỗ trợ cho hộ kinh kinh phát triển. Tuy nhiên cũng theo ông Trí, không nên đưa vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bởi hộ kinh doanh khác doanh nghiệp về quy mô, nhân lực, trình độ quản lý.

“Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ quá sức chịu đựng, làm khó, hạn chế sự phát triển của loại hình kinh tế phổ biển và khá hiệu quả này”, ông Trí nói và kiến nghị trước mắt cần có một Nghị định về hộ kinh doanh cho phù hợp, để điều chỉnh, tạo điều kiện cho đối tượng này hoạt động, còn về lâu về dài thì nên có một luật riêng cho đối tượng này.

Đồng quan điểm này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng hộ kinh doanh và công ty dù trong khái niệm kinh tế cả hai chủ thể đều là doanh nghiệp, nhưng trong khái niệm về pháp lý, những cơ sở, cơ chế và yêu cầu pháp lý với 2 chủ thể này là khác nhau, vì mỗi loại có chức năng, lý do tồn tại riêng và phạm vi hoạt động của hộ kinh doanh rất rộng.

Ủng hộ việc ra Nghị định riêng, sau đó là luật riêng cho hộ kinh doanh, bà Tuyết cho rằng điều này sẽ giúp thị trường tự lựa chọn loại kinh doanh thích hợp, tôn trọng tính đa dạng của thị trường, thúc đẩy sự sáng tạo của hộ kinh doanh, tạo thêm sự lựa chọn cho hộ kinh doanh cá thể thay vì chỉ có một con đường duy nhất là chuyển thành công ty hoặc doanh nghiệp.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết.

Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động, đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dbqh-tranh-luan-co-nen-dua-5-trieu-ho-kinh-doanh-vao-luat-doanh-nghiep/833581.antd