ĐBQH: Tòa án đã có bước chuyển lớn về cải cách tư pháp

Báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng mà ngành Tòa án đã đạt được trong năm qua. Đáng chú ý là công tác CCTP tư pháp có chuyển biến rõ nét trong nhiều năm qua.

Bên hành lang Quốc hội, PV Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

PV: Từng là người nhiều năm công tác tại BCĐ CCTP Trung ương, ông có thể cho biết vài ý kiến đánh giá về CCTP tại Tòa án thời gian qua?

ĐB Nguyễn Văn Hiển: Là người từng công tác tại BCĐ CCTP và theo dõi công tác này nhiều năm qua cũng như thời điểm hiện nay đang tổng kết Nghị quyết 49 sau 15 năm thực hiện, tôi thấy rằng chúng ta thực hiện được bước dài trong CCTP. Đáng chú nhất là quy trình, thủ tục tố tụng đã có bước chuyển biến lớn so với 15 năm vừa qua, đặc biệt là những năm gần đây.

Kết quả báo cáo Quốc hội năm nay, tôi rất ấn tượng với Báo cáo của TANDTC: Tỷ lệ án xét xử, số án tồn đọng thấp hơn năm trước là một nỗ lực rất lớn của ngành Tòa án trong điều kiện lượng án gia tăng như hiện nay; các chỉ tiêu Quốc hội giao đều hoàn thành. Cùng với đó, nguyên tắc tranh tụng được Tòa án đảm bảo thực hiện. Qua theo dõi một số phiên tòa các vụ án lớn mà có nhiều luật sư tham gia, tôi thấy rằng tranh tụng rất cởi mở, cách điều hành của chủ tọa phiên tòa đã khác và tiến bộ so với trước đây. Trong cách thức tổ chức vận hành của Tòa cũng đã có những đổi mới quan trọng, việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên cũng là một trong những cải cách đáng ghi nhận…

 ĐB Nguyễn Văn Hiển

ĐB Nguyễn Văn Hiển

Tuy nhiên, một số nội dung CCTP Tòa án cần tiếp tục đẩy mạnh hơn, như nguyên tắc tranh tụng đẩy mạnh và vận hành trơn tru hơn nữa; Hay nguyên tắc tổ chức Tòa án cũng vậy, vì đây là nguyên tắc liên quan đến độc lập trong xét xử. Nếu chúng ta thực sự theo mô hình không phụ thuộc vào đơn vị hành chính sẽ tốt hơn nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh phải tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, nếu căn cứ vào số lượng việc, địa lý, vào thực tiễn chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện việc sắp xếp theo cấp xét xử đối với Tòa án mà không nhất thiết huyện nào cũng phải có 1 Tòa án. Tất nhiên, khi sắp xếp phải tính đến các yếu tố vùng miền, số lượng việc, khoảng cách địa lý …

PV: Một trong những cải cách nổi bật nữa là việc Tòa án công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử đế người dân có thể tiếp cận. Ở góc độ là một người công tác về lĩnh vực lập pháp, ông đánh giá hoạt động này như thế nào?

ĐB Nguyễn Văn Hiển: Tôi thường xuyên truy cập vào trang để xem những bản án và phán quyết của Tòa án nên đánh giá cao hoạt động này. Có thể nói rằng, công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử là kênh tiếp cận nhanh và minh bạch của người dân trên diện rộng. Những bản án mà người dân quan tâm, truy cập và hiểu rất rõ ràng từ việc tranh luận của các bên cho đến phán quyết của Tòa án; họ được tiếp cận thông tin một cách chính thống, tránh việc hiểu không đúng về một vụ việc nào đó.

PV: Tại phiên Quốc hội chất vấn vừa qua, các ĐB nói nhiều đến những áp lực công việc của ngành Tòa án với khối lượng công việc gia tăng hàng năm. Theo ông có cần một cơ chế đặc thù đối với Tòa án về vấn đề biên chế hay không?

ĐB Nguyễn Văn Hiển: Giảm biên chế là chủ trương chung của Đảng mà tất cả các ngành đều phải thực hiện. Tuy nhiên, với Tòa án, khi lượng án lớn mà không có đủ Thẩm phán để xét xử hoặc lượng án quá tải ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bản án nói chung và bảo vệ công lý nói riêng. Hơn nữa, Thẩm phán là nghề có áp lực lớn, những sai sót trong công tác có thể để lại hậu quả khác nhau nhưng với Thẩm phán nếu sai sót để lại hậu quả rất lớn. Nên đòi hỏi nghề Thẩm phán vừa phải có trình độ, năng lực, và khối lượng việc đảm bảo để họ cẩn trọng nhất có thể. Bởi vâỵ̣, thực hiện chủ trương nhưng vẫn cần có cơ chế đặc thù cho ngành Tòa án, nếu giảm đồng đều, cơ học sẽ không hợp lý.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/dbqh-toa-an-da-co-buoc-chuyen-lon-ve-cai-cach-tu-phap-320458.html