ĐBQH tỉnh tranh luận một số nội dung về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp lần thứ 8, chiều 12/11, Quốc hội khóa XIII đã tổ chức thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Liên quan đến dự luật, các đồng chí: Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh có phát biểu tranh luận với một số ĐBQH khác.

Đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tranh luận

Đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tranh luận

Đồng chí Ngô Thị Minh đã tranh luận và trao đổi với 3 đại biểu: Nguyễn Văn Tuyết, Ngọ Duy Hiểu, Hoa Ry về các nội dung: Thứ nhất là tên gọi của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Tôi rất đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Tuyết vừa trao đổi, nhưng tôi muốn trao đổi thêm để làm rõ là nếu như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tên gọi như thế tuy dài nhưng vẫn chưa đủ, vẫn còn thiếu lĩnh vực thể thao, du lịch, tôn giáo, tín ngưỡng... Vấn đề thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đấy là quy định theo độ tuổi, nhưng nhi đồng cũng không thể bao hết được trẻ em, rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực trẻ em cho nên tôi nghĩ rằng ta nên nghiên cứu, xem xét đổi tên để thực sự vừa bao quát đúng chức năng, nhiệm vụ và không để bị hổng một số đặc biệt là trong lĩnh vực trẻ em. Nếu chỉ đến tuổi nhi đồng thôi thì toàn bộ đối tượng dưới tuổi nhi đồng này chưa thuộc ủy ban nào của Quốc hội phụ trách.

Thứ hai, chúng tôi đa số đều muốn tăng đại biểu chuyên trách. Tuy nhiên, nếu sửa Điều 23 như một số đại biểu cho rằng tối thiểu là 40%, mong muốn là một chuyện, nhưng chúng tôi đề nghị nhiều lần và rất mong muốn là phải tăng số cán bộ chuyên môn phục vụ ở các cơ quan của Quốc hội. Bởi từ ngày tôi tham gia Quốc hội đến nay gần 20 năm, tuy nhiên số cán bộ quá ít. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là ví dụ điển hình. Như cá nhân tôi vừa phụ trách lĩnh vực giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non mà chỉ có 4 cán bộ chuyên trách giúp việc. 4 người này phải phản biện nhiều cơ quan của Chính phủ dẫn đến rất khó khăn. Vì thế, tôi đề nghị, nếu tăng đại biểu chuyên trách phải thì kèm theo phải tăng cán bộ chuyên môn.

Thứ ba, là về Văn phòng Đoàn ĐBQH. Tôi từng làm Phó trưởng Đoàn ĐBQH ở địa phương. Thời điểm đó, 3 văn phòng là Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh nhập làm một và chỉ một thời gian ngắn thì lại tách ra. Khi tách ra thì Văn phòng Đoàn ĐBQH với HĐND tỉnh cùng một văn phòng thấy hoạt động hiệu quả hơn. Bây giờ ta lại nhập cả 3 văn phòng lại thì tôi thấy có rất nhiều khó khăn. Do đó, tôi đề nghị cần có sự nghiên cứu thấu đáo để có thể thông qua vào kỳ họp sau…

Cũng liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đã tranh luận với một số ĐBQH khác.

Đồng chí Đỗ Thị Lan bày tỏ: Tôi xin được tranh luận với một số đại biểu về quy định tỷ lệ ĐBQH chuyên trách quy định trong dự luật. Theo các đại biểu thì chỉ quy định tỷ lệ ĐBQH chuyên trách trong luật theo tôi chưa đủ, chính vì thế một số nhiệm kỳ vừa qua chúng ta cũng đã quy định nhưng thực tế thực hiện chưa có hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu về tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta cần quy định tỷ lệ của các thành phần đại biểu, trên 500 đại biểu trong luật để có tính khả thi cũng như kế hoạch để thực hiện đạt kết quả. Tôi cũng đề xuất là từ 35 cho đến 40% đại biểu chuyên trách công tác tại các cơ quan của Quốc hội, của đoàn ĐBQH để có lộ trình tăng dần số đại biểu Quốc hội chuyên trách. Tại thời điểm này tôi thấy cũng cần có chỉ đạo làm sao để chúng ta có thể tăng độ khoảng 2% đại biểu chuyên trách trên số ĐBQH chuyên trách hiện hành. Cần cân đối để xây dựng vị trí việc làm của các ĐBQH chuyên trách. Bởi vì chúng ta tăng ĐBQH chuyên trách cũng đồng tình với việc tăng biên chế ĐBQH chuyên trách trong các cơ quan của Quốc hội. Vì vậy, cần phải xây dựng vị trí việc làm, có quy định cụ thể số lượng đại biểu chuyên trách để phù hợp với việc chúng ta thực hiện các nghị quyết của Trung ương liên quan đến sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế, cũng như Nghị quyết 56 của Quốc hội và có lộ trình để thực hiện việc tăng cho có hiệu quả.

Quy định 10% ĐBQH chuyên gia là ĐBQH khóa trước hoặc người có trình độ, năng lực hoạt động Quốc hội, có kinh nghiệm, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm tham gia vào các hoạt động của Quốc hội theo chương trình, kế hoạch cụ thể, cũng quy định 50 đến 55% ĐBQH cơ cấu trong các cơ quan tư pháp, hành chính, Đảng, đoàn thể để đảm bảo cơ cấu vùng miền, người dân tộc, giới cũng như các thành phần khác để đảm bảo hoạt động của Quốc hội. Tôi đề nghị quy định rõ tỷ lệ của các ĐBQH để thực hiện.

"Tôi không đồng tình với quan điểm đánh giá trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các ĐBQH cho rằng hoạt động của ĐBQH, đoàn ĐBQH ở địa phương chủ yếu để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, để phản ánh những vấn đề của địa phương đến Quốc hội, hoạt động giám sát để đảm bảo hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, phục vụ các nhiệm vụ để hoàn thiện thể chế pháp luật, không trùng với nhiệm vụ của HĐND tỉnh. Theo tôi quy định và quan điểm nhận định như vậy đối với ĐBQH là chưa đủ. Chính vì vậy, tôi đề nghị cần phải có những giải pháp cụ thể, quy định rõ trong luật để làm sao đạt kết quả. Ví dụ, cần quy định rõ, đúng mức vai trò của đoàn ĐBQH của ĐBQH đúng vị trí, có địa vị pháp lý rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đại biểu Quốc hội" - đồng chí Đỗ Thị Lan đã thẳng thắn tranh luận với một số ĐBQH.

Đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, phát biểu tại buổi thảo luận.

Đồng chí Đỗ Thị Lan cũng đề nghị cần xây dựng cơ chế phù hợp, phát huy vai trò của ĐBQH chuyên trách, nhất là phó đoàn, trưởng đoàn đại biểu chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ. Như ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên thảo luận, đồng chí đã đề xuất nâng cơ quan của Ban Công tác ĐBQH và Ban Dân nguyện thành ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban Giám sát của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giám sát của Quốc hội, giám sát thực hiện, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri, nhân dân, đồng thời thực hiện chức năng tham mưu trong hoạt động giám sát.

Xuân Ninh(Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND và UBND tỉnh)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201911/dbqh-tinh-tranh-luan-mot-so-noi-dung-ve-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-to-chuc-quoc-hoi-2460756/