ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến về công tác PCCC giai đoạn 2014-2018

Ngày 13/11, Quốc hội khóa XIII đã tổ chức thảo luận về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018. Đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh, tham gia phát biểu nhiều nội dung. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh, phát biểu tại phiên làm việc.

Đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh, phát biểu tại phiên làm việc.

Đồng chí Ngô Thị Minh chỉ rõ: Tuy tôi đồng tình với hầu hết các nhận định nêu trong báo cáo giám sát của Quốc hội về công tác PCCC giai đoạn 2014 - 2018, nhưng tôi muốn phân tích rõ hơn một số hạn chế và đề xuất thêm một số giải pháp để xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền, sở, ngành, địa phương, bộ, ngành Trung ương và công tác phối hợp, sự chủ động phối hợp khi thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo PCCC nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, tài sản của nhân dân. Theo báo cáo giám sát của Quốc hội đã chỉ ra: Hầu hết các địa phương chưa ban hành quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn; có tới 23 địa phương chỉ có duy nhất một đội chữa cháy đặt tại trung tâm hành chính của tỉnh, bán kính bảo vệ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm km; nhiều địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCCC còn mang tính hình thức, chưa thực sự quyết liệt, chưa có hiệu quả thực chất… Riêng TP Hà Nội thiếu gần 7.000 trụ nước, 300 bể nước, 400 bến lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn, quy chuẩn...

Tôi thấy rằng, đây là những hạn chế tồn tại rất lớn, thể hiện sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quan trọng này, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí cán bộ; công tác quản lý, kiểm tra, xử lý công tác PCCC để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Với những hạn chế nêu trên, cử tri và ĐBQH không khỏi lo lắng, rất mong Chính phủ cần xử lý nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu trong mỗi mắt xích nhiệm vụ công việc, trong đó có trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu UBND các cấp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có lộ trình cụ thể với các giải pháp đủ mạnh và khả thi, kể cả việc giáng chức người đứng đầu hoặc thay thế cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ mà thiếu trách nhiệm, hiệu quả công việc kém... Có làm được như vậy mới hy vọng nhanh chóng khắc phục những hạn chế nêu trong báo cáo giám sát của Quốc hội.

Trên thực tế, có nhiều và rất nhiều dẫn chứng về việc thiếu trách nhiệm của người đứng đầu trong mỗi mắt xích nhiệm vụ công việc, trong đó có trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu tại mỗi cấp chính quyền địa phương, sự vô cảm với tính mạng của người dân đã và đang diễn ra ở không ít cán bộ, đặc biệt ở một số khu chung cư cao tầng, ở sát các khu vực có chợ dân sinh; nhiều nơi đã bị cư dân buôn bán ở chợ, sống quanh khu chung cư, cố tình lấn chiếm không gian và mặt bằng để bán hàng mưu sinh, nếu cháy xảy ra, xe chữa cháy không có đường vào để ứng cứu, đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống ở chung cư, dân kiến nghị nhưng người đứng đầu chính quyền địa phương không có sự phối hợp, tìm giải pháp xử lý để giải quyết cho dân. Tôi có thể chỉ ra nhiều và rất nhiều dẫn chứng về tình trạng này trên địa bàn TP Hà Nội và một số địa phương qua phản ánh của người dân.

Cũng trong báo cáo giám sát của Quốc hội chỉ ra: Một số không ít tòa chung cư do chủ đầu tư, chủ cơ sở vì muốn cắt giảm chi phí nên cố tình lắp đặt các thiết bị, phương tiện PCCC không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, chưa được kiểm định, dễ hỏng, khi có cháy xảy ra không thể báo cháy. Đây thực sự là hành vi vô cảm với tính mạng của nhân dân, trong khi cả nước hiện có tới 4.166 nhà chung cư, nhà cao tầng; có tới 8.591 chợ, trung tâm thương mại (theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC). Con số này không hề nhỏ, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng nêu trên. Mặt khác, báo cáo giám sát cũng nêu: Nhiều bộ, ngành chưa ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCCC đối với ngành dọc và ít kiểm tra, đôn đốc để kịp thời phát hiện và xử lý; công tác phối hợp với Bộ Công an để thực hiện nhiệm vụ QLNN về PCCC còn chưa chủ động, thường xuyên, nhất là việc phối hợp triển khai xử lý các cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC đã đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực thi hành.

Tôi cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành trong chỉ đạo việc ban hành văn bản để hướng dẫn ngành dọc thực thi nhiệm vụ ở các địa phương và công tác phối hợp, rõ đầu mối phối hợp trong thị thi nhiệm vụ là nhiệm vụ quan trọng và đặc biệt quan trọng. Đây đang là khâu yếu, không chỉ trong lĩnh vực PCCC. Tuy nhiên, trong công tác PCCC, những hạn chế này gây hậu quả trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân, dễ nhận biết hơn so với lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao...

Báo cáo giám sát đã chỉ ra: Bộ Giao thông - Vận tải chưa đưa nội dung, thời lượng giảng dạy kiến thức PCCC vào chương trình đào tạo lái xe theo quy định của Luật PCCC; Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành văn bản quy định về lồng ghép kiến thức, kỹ năng PCCC vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác... Liệu từ kết quả này, Chính phủ có kiểm điểm kỷ luật người đứng đầu 2 bộ này không và liệu lãnh đạo 2 bộ này có xem xét kiểm điểm, kỷ luật cán bộ dưới quyền khi không hoàn thành nhiệm vụ?

Cử tri mong muốn Chính phủ, cần xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong từng mắt xích công việc, gây hậu quả hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, không chỉ riêng ở các địa phương vì nhiều cán bộ địa phương luôn cần sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời, đồng bộ, thống nhất từ các cơ quan Trung ương thông qua các văn bản hướng dẫn theo ngành dọc của mỗi bộ, ngành. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương cần thường xuyên rà soát nhiệm vụ, liên tục, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, bảo vệ nhau, không vì dân, vô cảm với cuộc sống của người dân, đẩy các kiến nghị chính đáng của người dân vào thành nhóm yếu thế, đơn lẻ, thất vọng, mất niềm tin vào chế độ. Đây là nguyên nhân cơ bản, thủ tiêu tinh thần góp ý xây dựng đầy trách nhiệm của không ít người dân.

Với những vụ cháy đã xảy ra, tôi xin đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân từng vụ cháy để có biện pháp xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe với những trường hợp vi phạm quy định về PCCC. Đặc biệt với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng về sự an toàn, gây cháy lớn hoặc có nguy cơ cháy lớn mà không đưa ra biện pháp ứng phó, làm thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhiều người.

Mặt khác, tôi xin đề nghị Chính phủ cần bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng và có lộ trình đầu tư để hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị, phương tiện PCCC và các điều kiện hạ tầng phục vụ nhiệm vụ PCCC cho lực lượng Cảnh sát PCCC và giúp lực lượng chủ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, hiện nay cả nước vẫn còn gần 3000 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và sát sao để sớm khắc phục thực trạng đáng lo ngại này.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh, phát biểu tại phiên làm việc.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh, phát biểu chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đồng thời đề nghị thực hiện nghiêm túc một số giải pháp trọng tâm về PCCC trong thời gian tới.

Bùi Xuân Ninh(Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND và UBND tỉnh)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201911/dbqh-tinh-tham-gia-y-kien-ve-cong-tac-pccc-giai-doan-2014-2018-2460879/