ĐBQH tỉnh tham gia nhiều ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 16/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường và biểu quyết thông qua một số nội dung quan trọng. ĐBQH tỉnh tham gia nhiều ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến về dự án luật.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến về dự án luật.

Tại phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh với 87,14% đại biểu tán thành. Đồng thời, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Các đại biểu cũng cho ý kiến về thẩm quyền cấp giấy phép mô tô, ô tô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; bất cập trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để chuyển nhiệm vụ này sang Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Đồng thời, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, ĐBQH tỉnh cho rằng: Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ liên quan đến việc tách luật giao thông đường bộ hiện hành ra làm 2 luật là Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật giao thông đường bộ. Đặc biệt, giao chuyển một số nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý sang Bộ Công an quản lý, thực hiện. Theo đó, không phải chỉ một nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe mà còn liên quan đến một số nhiệm vụ khác được chuyển giao như: Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ và một số nhiệm vụ Ban An toàn giao thông đang thực hiện quản lý Nhà nước về các lĩnh vực đào tạo lái xe trên cả nước, trừ một số trường hợp của Bộ Quốc phòng. Theo đại biểu, quy định như vậy thì dự án luật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến một số lĩnh vực về kinh tế -xã hội, gây xáo trộn nhiều hoạt động trong ngành giao thông vận tải, ảnh hưởng về tư tưởng của các công chức, viên chức và các cơ sở về dịch vụ ATGT liên quan cũng như là thể chế hóa các văn bản thực hiện nhiệm vụ giao cho Bộ Công An hiện nay đang thực hiện một cách ổn định.

Do đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Công An, Bộ GTVT phải làm rõ thêm một số nội dung trước khi quyết định tách luật, cũng như quy định một số nhiệm vụ chuyển giao khi Bộ Công An quản lý, cụ thể: Đánh giá tác động một cách toàn diện phạm vị, đối tượng ảnh hưởng khi thực thi chuyển giao; phân tích ảnh hưởng đến vấn đề tài chính ngân sách để quyết định có chuyển giao nhiệm vụ và thời điểm nào chuyển giao cho phù hợp; đánh giá tính thống nhất của hệ thống pháp luật…

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại hội trường.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, ĐBQH tỉnh cũng cho rằng: Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là dự án luật quan trọng, nội dung lớn, đề nghị Quốc hội xem xét thời điểm trình thông qua dự án luật vào kỳ họp thứ 2 Quốc khóa XV. Đồng thời, lùi thời gian xem xét thông qua dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV sang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, để thông qua cả 2 dự án luật này cùng một thời điểm sẽ thuận lợi hơn so với việc tách bạch, phạm vi điều chỉnh và các nội dung của cả 2 dự thảo luật tránh chồng lấn.

Liên quan đến nội dung về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại khoản 4, điều 66 của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thì nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông đường bộ là do lỗi của người tham gia giao thông là chính. Thực tế này đòi hỏi phải nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, coi đây là biện pháp quan trọng để phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ. Vì vậy, khi tách thành 2 luật riêng thì nội dung trên thuộc phạm vi Luật Bảo đảm, trật tự an toàn giao thông đường bộ là hoàn toàn phù hợp và việc quy định Bộ Công an có thẩm quyền quản lý các hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ đảm bảo tính thống nhất về quản lý người và phương tiện tham gia giao thông. Đại biểu đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khi được giao thẩm quyền này cần có những biện pháp làm thay đổi chất lượng quản lý ngày càng tốt đẹp hơn; cải cách hành chính, ứng dụng KHCN, phục vụ nhân dân, phòng ngừa sai phạm tiêu cực để thay đổi căn bản về chất tình trạng an toàn giao thông hiện nay. Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật giao thông đường bộ, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi được thông qua vì tính mạng con người là trên hết.

Trúc Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202011/dbqh-tinh-tham-gia-nhieu-y-kien-ve-du-an-luat-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-2509366/