ĐBQH: Thi cử càng cải cách, kết quả càng kém, tiêu cực phát hiện càng nhiều

Mở đầu phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng ngày 30/5 ở nghị trường Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhận định, nhìn vào những con số tăng trưởng trong báo cáo của Chính phủ, nhiều người sẽ bày tỏ sự vui mừng. Nhưng thực tế, người dân lại hoài nghi, chưa vui vì 'thiếu niềm tin'.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang).

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang).

Theo ĐB, hiện còn nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội chưa được giải quyết.

Phải chỉ ra người chịu trách nhiệm trong vụ gian lận thi cử

Đề cập đến vấn nạn gian lận thi cử, ông Hiếu cho biết, cử tri đang rất bức xúc, mong mỏi phải xử lý nghiêm minh, chỉ ra những thiếu sót trong kỳ thi quốc gia và người chịu trách nhiệm cụ thể, không thể nói “đây hoàn toàn là lỗi địa phương”. Bởi, gian lận thi cử không chỉ xảy ra ở một địa phương mà ở nhiều nơi.

“Mỗi năm một lần Bộ thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, càng cải cách thì kết quả càng kém hơn, tiêu cực càng phát hiện nhiều hơn.

Và trong 3 năm vừa qua, Bộ cũng chưa có tập huấn, chỉ đạo các tỉnh về những kẽ hở khâu thực thi, không có biện pháp ngăn chặn phần mềm chấm môn tự luận quá lỏng lẻo, bài thi trắc nghiệm không rọc phách, dùng bút chì để khoanh…

Bộ cũng không có đánh giá kết quả thi hàng năm của các tỉnh, TP như thế nào. Nếu phân tích kết quả, thì không thể không đặt câu hỏi vì sao, học sinh khá, giỏi các tỉnh miền núi lại cao hơn học sinh TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”, ông Hiếu nói.

Theo ĐB, nếu phúc tra cả nước thì sẽ phát hiện ra rất nhiều sai phạm trong kỳ thi THPT vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, quy trình nên cần phải có giải pháp giải quyết từ gốc một cách hiệu quả.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, ông Hiếu cho hay, cách đây vài ngày người dân đã kéo đến trạm BOT T2 gần cầu Vàm Cống phản ứng về cách thức thu phí không hợp lý.

"Nếu mọi việc được giải quyết thỏa đáng thì sẽ không có tình trạng cách đây vài ngày trạm BOT T2 bị chặn, phản ứng dữ dội", ông Hiếu nói.

Từ đó, ông đề nghị cần phải có giải pháp để sớm có giải pháp xử lý trạm BOT T2 đảm bảo sự công bằng. “Rất mong Chính phủ có giải pháp xử lý các vấn đề giao thông để Đồng Bằng Sông Cửu Long vươn lên, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình”, ông Hiếu nói.

Giá điện tăng: Phải chăng do độc quyền?

Về giá điện, Bộ Công Thương đã có báo cáo. Tuy nhiên, ĐB đoàn An Giang cho rằng, cũng như trong khám, chữa bệnh, cho dù phác đồ đúng mà vẫn có vấn đề thì phải xem xét lại. Bởi đôi khi lý thuyết đúng, triển khai lại sai ở “mắt xích” nào đó. Khi đó, cần phải dừng lại xem xét chứ không thể chủ quan, duy ý trí.

Vậy nên khi rất nhiều người dân bức xúc về giá điện, theo ông Hiếu, Bộ Công thương cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc về cách thức quản lý, giám sát của mình trong việc điều hành, quản lý.

“Phải chăng nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do độc quyền trong việc mua bán, truyền tải điện”, ông Hiếu đặt vấn đề.

ĐB Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề cập đến việc giá điện tăng 8,36%, thuế môi trường với xăng cũng tăng từ 1/1/2019, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng và gây hiệu ứng không nhỏ tới giá các mặt hàng khác trên thị trường.

Nữ ĐB đồng ý giá các mặt hàng phải tiến dần tới thị trường, tính đúng, đủ các chi phí cấu thành. Song, bà lưu ý, thời điểm nào sẽ cho tăng giá là rất quan trọng, bởi ảnh hưởng tới lạm phát. "Chính phủ cần giải pháp để kiềm chế lạm phát", bà Yến nêu.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/dbqh-thi-cu-cang-cai-cach-ket-qua-cang-kem-tieu-cuc-phat-hien-cang-nhieu_t114c8n149254