ĐBQH thắc mắc vì dự luật còn…khúc mắc

Còn có nhiều ĐBQH băn khoăn tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công ngày 12/11.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) phát biểu tại tổ ngày 12/11.

Góp ý vào quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND trong quyết định đầu tư, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) tán thành với quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự án Luật quy định Thường trực HĐND được phép thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cùng cấp trong thời gian giữa các kỳ họp của HĐND, Thường trực HĐND có nhiệm vụ báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất… là sửa đổi căn bản về thẩm quyền, song Thường trực HĐND không phải là một cấp, không thể làm thay nhiệm vụ của HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định vấn đề này. Do đó, bà Tâm đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Thường trực HĐND không thể làm thay HĐND

Bà Tâm chỉ ra rằng, HĐND có thể họp bất thường và trong thực tiễn, ở TP HCM chưa có trường hợp đầu tư nào bị vướng lại do HĐND không tổ chức họp được. Không thể lý giải vì kỳ họp HĐND ít mà giao quyền này cho Thường trực HĐND. Đầu tư công là đầu tư từ ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách nhà nước là nhiệm vụ của HĐND, để quyết định đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước phải tính trên tổng thể của từng địa phương.

Giao cho Thường trực HĐND quyết định vấn đề này là không cần thiết và không đủ điều kiện. Quốc hội cần cân nhắc, nếu giao cho Thường trực HĐND quyết định có thể “đẻ” ra hệ lụy làm cho chính quyền địa phương, nhất là UBND địa phương chủ quan. Nguyên nhân là do Thường trực HĐND họp hàng tháng, quyết định đầu tư công có thể thông qua hàng tháng. Như vậy, sẽ không đảm bảo được tính tổng thể và hệ thống của mỗi địa phương.

“Đề nghị Quốc hội cân nhắc, về hình thức có vẻ thuận lợi, vì Thường trực có thể triệu tập họp bất cứ lúc nào, còn triệu tập HĐND thì không phải dễ. Nhưng phải có cái nhìn tổng thể để cân đối để quyết định đầu tư”, bà Tâm kiến nghị.

Chủ tịch HĐND TP HCM đặt câu hỏi “tại sao Chính phủ lại đặt ra quy định giảm mức độ phức tạp cho đầu tư công trên cơ sở giao cho HĐND để Thường trực HĐND quyết định, mà không tính toán sửa đổi những nội dung khác để rút ngắn thủ tục đầu tư công?”.

Theo bà Tâm, hiện thủ tục còn rất nan giải, có ý kiến các bộ, ngành. Cần đơn giản hóa thủ tục, nhưng thẩm quyền phải đủ sức quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định, sửa đổi thẩm quyền cho phù hợp để quyết định đầu tư công một cách hiệu quả.

Phân quyền giữa Quốc hội và HĐND

Đánh giá về dự án Luật sửa đổi lần này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đánh giá, thứ nhất là thời gian vừa qua khâu giải ngân vẫn còn bị chậm so với nguồn vốn được bố trí. Thứ hai, thủ tục triển khai một dự án đầu tư công thường bị kéo dài quá lâu. Điều này dẫn đến phải liên tục điều chỉnh dự toán, mà đã điều chỉnh dự toán thì phải chờ vốn, từ đây gây rất nhiều lãng phí tiền bạc và công sức. Cho nên, việc điều chỉnh luật lần này phải làm sao hướng tới giảm các quy trình thủ tục trong xét duyệt dự án đầu tư công.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) phát biểu tại tổ ngày 12/11.

Nhưng việc rút ngắn thủ tục không đồng nghĩa với “dễ dãi” với các dự án đầu tư công. Đối với nguồn vốn, chúng ta phải quan tâm nhiều đến nguồn để quyết định dự án đó thuộc Quốc hội hay HĐND quyết định, chứ không phải quan tâm đến số vốn của dự án. Vì số vốn dự án có thể theo thời giá có thể đặt ra 10.000 tỷ đồng, 15.000 tỷ đồng, 20.000 tỷ… nhưng chúng ta không biết con số đó có đủ hay không.

“Vấn đề quan trọng ở đây, nếu như ngân sách địa phương thì để HĐND quyết định- nói cách khác nếu là ngân sách địa phương thì để HĐND tự quyết định, dù cho công trình đó có mức đầu tư lên đến 30.000 tỷ đến 40.000 tỷ. Còn với một dự án có thể chỉ có tổng vốn đầu tư 2000 tỷ - 3000 tỷ đồng nhưng là ngân sách trung ương thì Quốc hội phải xem xét”, ông Ngân đề xuất.

Về mặt từ ngữ, tại Điều 4 có ghi mở rộng dự án đầu tư công khẩn cấp, theo ông Ngân đã là khẩn cấp mà lại mở rộng nhiều quá thì tính khẩn cấp sẽ ít đi. Ông Ngân đề xuất, nên dùng đầu tư công trong trường hợp khẩn cấp hay hơn dùng dự án khẩn cấp. Tức là khi có thiên tai xảy ra thì buộc phải đầu tư, thì đây sẽ được hiểu là đầu tư công trong trường hợp khẩn cấp. Còn dự án nào cũng khẩn cấp sẽ không bao quát được và mở rộng thì không đúng với từ khẩn cấp.

Ở nội dung liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, so với Luật Đầu tư công chúng ta ban hành trước đây tại Khoản 19 Điều 4 có ghi “nợ đọng xây dựng cơ bản là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có vốn bố trí cho phần khối lượng thực hiện đó” thì lần này sửa lại có khác đi, đó là chúng ta không quan tâm đến điều này mà chỉ quan tâm đến khoản vượt mức đã bố trí thì gọi đó là nợ đọng. Nhưng theo ông Ngân sửa như vậy vẫn không bao quát được, mà phải bao gồm cả 2. Một là nợ đọng do chưa bố trí vốn. Hai là đã bố trí vốn nhưng khi nghiệm thu vượt vốn bố trí. “Khái niệm này mới đầy đủ trong Khoản 20 Điều 4 của Luật sửa đổi mới”, ông Ngân nói.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dbqh-thac-mac-vi-du-luat-con-khuc-mac-139715.html