Đbqh Tạ Văn hạ: chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo ra cuộc cách mạng ứng dụng khcn...

Việc triển khai thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nhiều năm chưa thực sự hiệu quả. Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp mang tính đột phá, tạo ra một cuộc cách mạng ứng dụng KHCN, CNTT mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện trong toàn hệ thống, xây dựng được Chính phủ điện tử thực sự.

Chính phủ điện tử: Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Khi sinh con đầu lòng, chị Phạm Hồng Phượng phải lên phường vài lần để làm thủ tục đăng ký khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cho con. Tuy nhiên đến cháu thứ 2, mọi việc đã đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần có thiết bị kết nối internet, chị ngồi ở bất kỳ đâu, bất cứ thời gian nào cũng đều đăng ký được giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm cho con. Sau khi điền đầy đủ thông tin ở mẫu văn bản có sẵn trên trang Web và gửi trực tuyến đến cơ quan giải quyết chỉ ít giờ sau chị nhận được phản hồi và nhanh chóng có kết quả.

Chị Phạm Hồng Phượng cho biết, dịch vụ công trực tuyến đã giúp người dân tiết kiệm được thời gian đi lại. Thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời mong muốn người dân được tiếp cận các dịch vụ từ Chính phủ điện tử nhiều hơn nữa, xây dựng chính quyền điện tử tiếp tục có nhiều cải tiến hơn.

Chỉ cần có thiết bị kết nối internet người dân có thể đăng ký dịch vụ công trực tuyến bất cứ lúc nào

Những năm gần đây, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước không ngừng được đẩy mạnh từ trung ương đến địa phương, nhất là từ khi Nghị quyết số 36a năm 2015 ra đời đã lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong triển khai Chính phủ điện tử. Qua đó, người dân, doanh nghiệp đã tiết kiệm được chi phí đi lại, thời gian giao dịch, thủ tục giấy tờ cũng đơn giản hơn. Đồng thời cũng theo dõi được tình trạng hồ sơ trên website trực tuyến hoặc qua tin nhắn điện thoại, địa chỉ email. Đảm bảo công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục.

Điển hình, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung số hóa toàn bộ dữ liệu của ngành tại trung ương, rà soát, đồng bộ, cấp mã định danh cho toàn bộ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 5 năm 2019, Cơ sở dữ liệu của bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý 14,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 363.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; 12,87 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 84,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là nguồn dữ liệu thành phần cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm để phục vụ việc chia sẻ, kết nối với các Bộ, ngành, đơn vị trong tương lai.

Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố.

Chính phủ điện tử: Còn nhiều thách thức

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, năm 2018, Việt Nam tăng 01 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia và đứng thứ 06 trong tổng số 11 quốc gia khu vực ASEAN. Dù đạt được những kết quả nhất định, song việc triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ và khả năng sẵn sàng kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỉ lệ thực hiện còn thấp. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở địa phương mới đạt tỉ lệ 15% còn các bộ, ngành mới đạt gần 29%, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến dẫn đến hiệu quả chưa cao; Hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu triển khai chậm. Việc xử lý, trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước còn chưa phát huy hiệu quả.

Triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Trên thực tiễn quá trình triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện; các cấp, các ngành chưa xác định rõ lộ trình và mục tiêu cụ thể trong triển khai. Nhiều bộ, ngành địa phương còn coi nhẹ ứng dụng công nghệ thông tin, thiếu gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc…. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy, ngại dùng công nghệ.

Chính phủ xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, tạo sự minh bạch hơn nữa trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, trong đó, giao 83 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan. Dự kiến tháng 9/2019 chạy thử nghiệm để khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia vào tháng 11/2019 với hướng tiếp cận đặt tổ chức, cá nhân làm trung tâm, tiết kiệm thời gian, chi phí; cung cấp nhiều tiện ích.

Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Ngày 02/3/2018, Thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký văn bản số 294 trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Văn Hạ.

Văn bản nêu rõ: Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước. Một trong các chủ trương lớn được Chính phủ tập trung chỉ đạo là xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ cải cách hành chính. Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a về Chính phủ điện tử bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Theo đó các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện. Năm 2016, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên Hiệp Quốc xếp hạng thứ 89/193 quốc gia. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 quốc gia lên thứ hạng 74/193.

Cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ; đã có 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết lớn, ví dụ: Bộ Công an cấp hộ chiếu, khai báo tạm trú gần 8.850.000 hồ sơ; Bộ Công Thương gần 772.000 hồ sơ; Bộ Giáo dục và Đào tạo: 270.000 hồ sơ; Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép lái xe và giấy phép kinh doanh vận tải: 145.000 hồ sơ; Hà Nội: hơn 225.000 hồ sơ; Lâm Đồng: gần 111.000 hồ sơ.

Tuy nhiên, các kết quả này mới chỉ là bước đầu. Tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a mới đạt 61,9%. Một số nhiệm vụ của bộ, ngành đã quá thời hạn nhưng chưa thực hiện xong, nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, hay việc cấp phép qua mạng điện tử mới bước đầu được triển khai, chưa có kết quả cụ thể…

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin như các chính sách về đầu tư, ưu đãi về thuế, thuê sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, tạo thị trường cho sản phẩm công nghệ thông tin trong nước…

Tập trung phát triển hạ tầng băng rộng, đẩy mạnh kết nối số trong các ngành, lĩnh vực, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội; khẩn trương xây dựng, đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu quốc gia; quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, Nhà nước, tại tất cả các cấp trong hệ thống chính quyền.

Nâng cao chỉ số đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc đối với cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI).

Bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ thông tin trong toàn xã hội và trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, xác định công nghệ thông tin là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam.

Văn bản trả lời chất vấn của Chính phủ cũng đưa ra tiến độ hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử thực sự: Năm 2018, Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương; hoàn thành việc xây dựng và đưa vào thử nghiệm Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung phát triển hạ tầng băng rộng, 4G, tháo gỡ khó khăn về cước phí, băng tần trong việc phân bổ tài nguyên viễn thông, đẩy mạnh kết nối số trong các ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội.

"Người dân, doanh nghiệp" là trung tâm triển khai Chính phủ điện tử

Không thể phủ nhận việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua đã có những bước tiến đột phá quan trọng, đặc biệt là chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, mục tiêu đến hết năm 2019 có khoảng 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (theo tinh thần Nghị quyết 02) sẽ khó đạt nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và địa phương các cấp. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu:

Đại biểu Tạ Văn Hạ: Chính phủ điện tử hướng tới người dân, doanh nghiệp

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã lựa chọn vấn đề gì để chất vấn Thủ tướng Chính phủ?

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tôi đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ nội dung về Chính phủ điện tử, trong đó có 3 ý. Thứ nhất là quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ để xây dựng Chính phủ điện tử. Thứ hai là Chính phủ có những giải pháp gì để xây dựng thành công Chính phủ điện tử. Thứ 3 là khi nào Việt Nam có Chính phủ thực sự.

Phóng viên: Xuất phát từ thực tiễn như thế nào mà đại biểu đã lựa chọn vấn đề này để chất vấn Thủ tướng Chính phủ?

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế toàn diện và kỷ nguyên của chúng ta hiện nay là kỷ nguyên số và chúng ta nói nhiều tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Qua quá trình theo dõi Chính phủ điện tử đã được Chính phủ xây dựng tôi thấy thời gian đầu rất rầm rộ nhưng có một thời gian phần nào đó im ắng và giảm đi.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu có ý kiến như thế nào về nội dung trả lời của Chính phủ xung quanh những vấn đề đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu:

Tôi đồng tình với nhận định của Thủ tướng, của Chính phủ về thực trạng quá trình triển khai Chính phủ điện tử. Đặc biệt đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới mà Chính phủ đưa ra để thúc đẩy Chính phủ điện tử hơn nữa. Tuy nhiên với câu hỏi đến khi nào xây dựng được Chính phủ điện tử thực sự thì văn bản trả lời chưa thực sự làm cho tôi cảm thấy thỏa đáng.

Phóng viên: Từ kỳ họp thứ 4 đến nay, đại biểu có đánh giá như thế nào về chuyển biến thực tế triển khai Chính phủ điện tử?

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Thời gian gần đây, tôi thấy việc triển khai Chính phủ điện tử đã có những chuyển biến tích cực. Trước hết chuyển biến trong cải cách hành chính, liên thông một cửa. Rất nhiều bộ ngành, nhiều địa phương đã làm rất tốt. Công tác tuyên truyền cũng rất sâu rộng. Các Nghị quyết của Đảng, của địa phương, chính quyền các cấp trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội cũng đã chú tọng đến xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bằng liên thông một cửa và đẩy mạnh dịch vụ công trên cơ sở qua các hệ thống ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình giải quyết công việc của các cấp. Đặc biệt mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công của chúng ta đã và đang từng bước được cải thiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Phóng viên: Thực tiễn quá trình triển khai Chính phủ điện tử còn không ít thách thức. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Trong quá trình triển khai có rất nhiều rào cản. Về con người, khó khăn từ việc nhận thức áp dụng khoa học công nghệ đến kỹ năng. Có những cơ quan, đơn vị lãnh đạo cũng chưa theo kịp xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, chưa đáp ứng được đòi hỏi của khoa học công nghệ để ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công việc, việc làm hàng ngày của mình. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức khi tiếp cận công nghệ thông tin còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Cơ chế chính sách cũng chưa thực sự đồng bộ, chưa thực sự hoàn thiện, bởi cũng chưa có quy định nào quy định vấn đề nào phải ứng dụng công nghệ thông tin, vấn đề nào không. Bên cạnh đó đầu tư cho cơ sở hạ tầng để làm nền tàng xây dựng Chính phủ điện tử vẫn còn chưa đồng bộ, manh mún.

Phóng viên: Trước áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo đại biểu, cần có những giải pháp như thế nào nhằm đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai Chính phủ điện tử?

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Chính phủ điện tử không có nghĩa là chỉ có các cơ quan Trung ương thực hiện mà Chính phủ điện tử phải là một hệ thống từ Trung ương xuống địa phương, tất cả được nối mạng và thông qua không gian mạng làm cho hiệu quả, hiệu suất bộ máy nhà nước được nâng lên rõ rệt với mục tiêu hướng tới người dân và doanh nghiệp. Do vậy, việc xây dựng Chính phủ điện tử phải thể hiện được nỗ lực quyết tâm của Đảng, Chính phủ và sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, người dân doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kỹ năng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, những người làm công việc liên quan đến quản lý nhà nước, liên quan đến các dịch vụ công. Bên cạnh đó người dân cũng phải nhận thức được xu thế phát triển và phải tự mình nâng cao kiến thức để đáp ứng được yêu cầu công viêc. Bên cạnh đó, Chính phủ có phương án đầu tư nhiều hơn nữa cơ sở hạ tầng, đầu tư về nguồn lực. Đẩy mạnh hơn nữa việc liên thông, liên kết ở cả ngành dọc và ngành ngang. Đồng thời đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và hoàn thiện môi trường pháp lý cho việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự xuất hiện những xu thế công nghệ mới đã và đang mang lại cả thách thức và cơ hội cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ… Việc triển khai Chính phủ điện tử không thể làm theo cao trào mà cần làm thực chất, đi vào thực tế, khoa học và tối ưu hóa công nghệ để hướng tới người dân, doanh nghiệp là mục tiêu, là trung tâm của Chính phủ điện tử. Đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để Việt Nam đón bắt xu thế chính xác, nắm bắt cơ hội phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.

Lê Phương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=41541