ĐBQH sợ lộ bí mật nếu kiểm toán được truy cập dữ liệu điện tử, Tổng KTNN nói 'không đáng lo'

Quy định bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến lo ngại lộ bí mật doanh nghiệp, thông tin tối mật quốc gia.

KTNN được quyền truy cập cơ sở dữ liệu điện tử của doanh nghiệp

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại tổ, tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, chủ trì, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.

Dự Luật được xây dựng hiện có 4 điều, trong đó điều 4 quy định hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Chiều 25/10, tại hội trường, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Trong đó, việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.

Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết việc bổ sung quyền truy cập cho Kiểm toán nhà nước (KTNN) là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0.

"Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật nhà nước… nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ", ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh băn khoăn, quy định như dự thảo luật thì trưởng đoàn kiểm toán có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như dân cư, tài sản công...

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng

"Trưởng đoàn kiểm toán có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu của ngành thuế, kho bạc, liệu có ổn không? Liệu có trở thành tiền lệ, các cơ quan thanh tra cũng được quyền truy cập khi thực hiện thanh tra hay không?", ông Hồng đặt vấn đề.

Dẫn quy định tại Luật An ninh mạng, ông Hồng nói những cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc hệ thống thông tin quan trọng an ninh quốc gia. Ông đưa ra quan điểm: "Quy định kiểm toán có quyền truy cập dữ liệu này, sẽ không loại trừ họ truy cập vào hệ thống an ninh quốc gia, lộ bí mật quốc gia".

Bên cạnh đó, vị ĐBQH đoàn Bình Dương cũng không đồng tình với điều khoản nêu trong dự thảo luật khi Trưởng đoàn kiểm toán là người được quyền truy cập dữ liệu điện tử và có thể ủy quyền cho thành viên trong đoàn.

"Tôi thấy như vậy không đúng với các quy định pháp luật trước đây, nếu cấp trưởng muốn ủy quyền thì phải trong những điều kiện nhất định và cho những đối tượng nhất định, không thể cho tất cả các thành viên trong đoàn", ông nói, đồng thời nhấn mạnh người được quyền truy cập hoặc được ủy quyền phải "có đủ khả năng, chuyên môn về công nghệ".

Không cần quá lo ngại

Đồng tình với tính cần thiết của quy định, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đề nghị dự luật cần làm rõ quyền truy cập, khai thác trên hệ thống dữ liệu quốc gia thì phạm vi truy cập đến đâu.

Song song với đó, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử cho Kiểm toán nhà nước là hết sức cần thiết, phù hợp với thời đại công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu điện tử thường có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin bí mật riêng tư, bí mật nhà nước được pháp luật bảo hộ đầy đủ. Đại biểu này kiến nghị cần phải phân cấp quyền truy cập phù hợp và quản lý, giám sát chặt chẽ không để lọt, lộ bí mật trong hoạt động kiểm toán nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và quản lý, giám sát chặt chẽ hơn.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc

Đối với những lo ngại của các ĐBQH, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng điều này "không đáng lo", vì khi muốn truy cập dữ liệu thì phải được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó và thời gian, phạm vi truy cập phải được sự đồng ý, thống nhất với đơn vị liên quan.

"Cùng với đó, kiểm toán viên truy cập sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trong trường hợp xảy ra sai phạm”, Tổng KTNN nói.

Đánh giá về tính cần thiết của quy định ông Phớc nhấn mạnh, trong thời đại cách mạng 4.0, các cơ quan doanh nghiệm đều sử dụng hóa đơn, chứng từ, thanh toán… bằng hình thức điện tử, bắt buộc KTNN phải bắt kịp xu thế đó. Muốn kiểm tra, KTNN phải truy cập, vì vậy cần bổ sung nội dung quyền truy cập điện tử các nội dung kiểm toán.

Cùng ý kiến này, bà Mai Thị Ánh Tuyết - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói "không thể ai cũng có quyền truy cập, hoặc trưởng đoàn kiểm toán muốn cấp quyền cho ai cũng được. Người truy cập phải tuân thủ bảo mật, chịu trách nhiệm về bảo mật thông tin". Vì thế phải quy định rõ trách nhiệm, phân quyền truy cập dữ liệu cụ thể ngay trong luật, tránh trường hợp làm lộ bí mật thông tin hoặc quyền riêng tư được pháp luật bảo hộ.

Hoa Liên - Công Luân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dbqh-so-lo-bi-mat-neu-kiem-toan-duoc-truy-cap-du-lieu-dien-tu-tong-ktnn-noi-khong-dang-lo-a454073.html