Đbqh phạm văn hòa - đồng tháp: vẫn còn tình trạng lãng phí trong mua sắm tài sản công

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với 10 chương, 134 điều. Trong đó, quy định đầy đủ các nội dung về quản lý nhà nước với tài sản công; chi tiết quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc lãng phí, thất thoát trong việc sử dụng tài sản nhà nước đang diễn ra khá nghiêm trọng, mức độ lãng phí gia tăng trên nhiều phương diện. Để khắc phục tình trạng này, theo ý kiến của Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cần quy định rõ chế tài, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu để xảy ra tình trạng lãng phí; xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm. Đồng thời, công khai tình hình quản lý và sử dụng tài sản công để nhân dân giám sát.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Thưa đại biểu, mặc dù Nhà nước đã có những quy định khá chặt chẽ về tiêu chuẩn, định mức, cách thức mua hàng hóa, dịch vụ của cơ quan hành chính các cấp, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng lãng phí trong mua sắm tài sản công vẫn diễn ra. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Phải nói rằng, tài sản công thuộc sở hữu của nhà nước, tập thể và nói rộng ra là thuộc sở hữu của toàn dân. Việc giữ gìn, bảo quản tài sản công phải tuân thủ những quy định chặt chẽ của pháp luật. Tuy vậy, thực tế hiện nay cho thấy, việc lãng phí, thất thoát trong việc sử dụng tài sản nhà nước vẫn đang diễn ra ở một số nơi. Có thể thấy, có nơi xảy ra nhiều có nơi xảy ra ít nhưng không phải là tất cả. Tôi cho rằng, trong quản lý tài sản công của nhà nước ta hiện nay đặc biệt là ngành tài chính thì nhìn chung quản lý tương đối tốt. Tuy nhiên, có 1 số nơi còn quản lý khá lỏng lẻo, quản lý tài sản công cũng như tiền, tài sản Nhà nước chưa được tốt gây thất thoát, lãng phí. Đây là hạn chế, bất cập trong quản lý tài sản công của nhà nước trong thời gian qua.

Phóng viên: Thưa đại biểu, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về quản lý nhà nước với tài sản công. Nhưng tại sao những quy định này chưa phát huy được hiệu quả trên thực tế?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 để điều chỉnh về hoạt động mua sắm công. Quy định đã có nhưng còn vấn đề triển khai thực hiện và giám sát trên thực tế còn nhiều bất cập, hạn chế. Trong mua sắm tài sản công phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch. Đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất, xây dựng trụ sở, … phải có cơ chế đấu thầu rộng rãi, công khai thông tin để lựa chọn nhà thầu tốt nhất với mức giá phù hợp tránh thất thoát. Bên cạnh đó, dường như chúng ta vẫn đang thiếu một cơ chế, chính sách về giao dự toán ngân sách mua sắm tài sản công và thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát mua sắm tài sản công. Luật quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng phải có những quy định hướng dẫn cụ thể để làm sao chúng ta quản lý tốt nhất tài sản công”.

Thiết bị y tế hiện đại được sử dụng tại một cơ sở y tế

Phóng viên: Để khắc phục triệt để tình trạng lãng phí trong mua sắm cũng như sử dụng tài sản công, theo quan điểm của đại biểu, thời gian tới cần tiến hành đồng bộ những giải pháp như thế nào?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong chương trình hành động phòng chống tham nhũng, lãng phí, Chính phủ thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết. Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trong quản lý quản lý tài sản công. Hiện nay, cơ quan tài chính phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, phải có cơ chế kiểm tra, thanh tra đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân hiện đang quản lý và sử dụng tài sản công bất hợp pháp. Nếu chưa đúng như quy định thì phải có biện pháp thu hồi dồng thời đối với cá nhân có sai phạm phải xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa những trường hợp tương tự tái diễn. Đồng thời quy định rõ chế tài, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu để xảy ra tình trạng lãng phí; tiến hành xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm. Tiến tới thực hiện công khai tình hình quản lý và sử dụng tài sản công, có những thông tin cụ thể, rõ ràng để nhân dân tham gia giám sát quá trình mua sắm, sử dụng tài sản công.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=36923