ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền: Nghị trường không phải là nơi dành cho người mềm yếu

Đằng sau những phát ngôn nóng và nhiều màn tranh luận nảy lửa, ĐBQH phải gánh trên mình không ít áp lực.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền thuộc đoàn ĐBQH Phú Yên. Chị là một trong những gương mặt trẻ, ấn tượng tại Quốc hội khóa XIV. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ với cử tri cả nước bởi phát ngôn mạnh mẽ và những màn tranh luận nảy lửa với các Bộ trưởng và cơ quan chức năng.

Trả phỏng vấn phóng viên VOV trước khi hoàn thành nhiệm kỳ ĐBQH khóa XIV, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết: Nghị trường không phải là nơi dành cho người yếu bóng vía.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền - tỉnh Phú Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Quochoi.vn

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền - tỉnh Phú Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Quochoi.vn

PV: Sắp kết thúc nhiệm kỳ ĐBQH khóa XIV, chị có hài lòng với những việc bản thân đã làm không? Có thể chia sẻ cảm xúc của chị vào ngày họp cuối cùng của nhiệm kỳ?

ĐB Phạm Thị Minh Hiền: 5 năm làm ĐBQH đã trở thành một phần cuộc đời của tôi. Có được, có mất, nhưng tôi được nhiều hơn. Quãng thời gian này để lại cho tôi một dấu ấn vô cùng lớn và rõ nét.

Bên cạnh những đóng góp cho Nghị trường, tôi được thu nạp và nâng cao tri thức, tư duy, nhận thức của tôi thay đổi theo hướng tích cực hơn, góc nhìn của tôi đa diện và rộng mở. Tôi cũng có thêm nhiều trải nghiệm cá nhân quý giá khác, đặc biệt là có thêm những “người bạn lớn”, tôi thấy vui và hạnh phúc khi được một số anh chị ĐBQH có kinh nghiệm, có tiếng nói trên nghị trường yêu quý và tin tưởng.

Vào ngày cuối cùng trong Kỳ họp thứ 11, tôi ra muộn nên không kịp chia tay với nhiều anh, chị, em trong các đoàn ĐBQH khác. Cuối cùng tôi chỉ kịp ôm có một người trước khi chị ấy vội đi ra sân bay. Lúc đó, nước mắt rơi mà tôi cứ day dứt mãi: Sao mình không đi nhanh hơn một chút nữa? Có phải như vậy thì được nói thêm một lời tạm biệt không? Tôi vốn là người có nhiều nghĩ suy thiên về cảm xúc đời thường.

PV: Cử tri cả nước biết tới chị với hình ảnh một nữ ĐBQH miền Trung tuổi còn trẻ, lần đầu làm đại biểu dân cử nhưng có nhiều phát ngôn gai góc. Tại sao chị không chọn một cách nhập cuộc “tròn trịa” hơn, nhất là vào nhiệm kỳ đầu tiên tham gia Nghị trường?

ĐB Phạm Thị Minh Hiền: Tại Kỳ họp thứ nhất, nhiệm vụ của tân ĐBQH là tham gia quyết định công tác nhân sự và thảo luận những vấn đề quan trọng khác. Tôi dành phần lớn thời gian quan sát và ghi chép. Khi lắng nghe những ý kiến thảo luận, tôi có chút thắc mắc tại sao thời gian họp hơi ngắn, ý kiến phản biện thì ít mà phần lớn lại nhiều lời khen đến vậy?

Bằng trải nghiệm từ thực tế công việc và đời sống, tôi thấy rõ: Còn nhiều vấn đề đang bị bỏ ngỏ từ cách làm chính sách chưa thấu đáo. Đó đều là những vấn đề cần được phản biện, cần được chuyển tải đến nghị trường để giải quyết.

Quyền và nghĩa vụ của ĐBQH chính là cất lên tiếng nói và nêu ra những vấn đề ấy.

Tôi nghĩ rằng, khi đã được người dân bầu và trao niềm tin thì trách nghiệm của tôi là đứng về phía người dân. Do đó, tôi chọn cho mình một tâm thế nhập cuộc đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, điều đó đồng nghĩa với việc có thể xảy ra nhiều va chạm: Trở thành một ĐBQH gai góc. Cho đến lúc này, khi ngồi trò chuyện với bạn, tôi vẫn tin rằng đó là sự lựa chọn đúng đắn của mình.

PV: Chị có từng gặp rắc rối về sự gai góc ấy không?

ĐB Phạm Thị Minh Hiền: Khi đứng trên Nghị trường, ĐBQH là đại diện của người dân, lời nói của ĐBQH thể hiện quyền lực của cử tri gởi trao. Nhưng khi trở về cuộc sống đời thường, nhiều ĐBQH cũng chỉ là một công chức, một viên chức, thậm chí là một nông dân bình thường. Họ tất nhiên chịu nhiều sự chi phối, nhất là đại biểu kiêm nhiệm ở địa phương.

Một khi đã chọn đứng về phía người dân, không ít thì nhiều, tiếng nói của ĐBQH sẽ xung đột với nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Điều này có thể sẽ tạo cho đại biểu khá nhiều áp lực, có những áp lực hữu hình, có những áp lực vô hình. Tuy nhiên, tôi đã chọn cách để mình tránh bị chi phối nhất và tập trung truyền tải trung thực ý kiến nguyện vọng của cử tri. Bởi “nhóm lợi ích” ý nghĩa nhất đối với một ĐBQH chính là cử tri.

Tôi cũng đã từng băn khoăn và nghi ngại về tiếng nói của mình ở nghị trường, về tinh thần xây dựng mạnh mẽ cần được lan tỏa của một đại biểu trẻ... nhưng rất may tôi đã đi trọn con đường mình đã chọn. Đó là một con đường có phần chông gai nhưng thật sự là con đường cần thiết và cần có của một nghị trường chuyển từ tham luận chuyển sang tranh luận...

Nghị trường, nếu quả thực là môi trường dành cho tinh thần sáng tạo, thẳng thắn và dân chủ, thì đó không phải là nơi dành cho người yếu bóng vía.

PV: Điều gì đã tiếp sức cho chị?

ĐB Phạm Thị Minh Hiền: Lòng tin từ cử tri.

Tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi, tin nhắn của người dân. Họ bày tỏ sự tin tưởng vào ĐBQH nữ, ĐBQH trẻ. Những lời động viên, ủng hộ đó ấm áp lắm. Có những mạnh thường quân, nhà hảo tâm khi biết tôi làm công việc trợ giúp cho người yếu thế, họ đã tin tưởng và ủng hộ nguồn lực khi tôi làm các dự án kết nối... Đó là thực sự là một nguồn động lực tiếp thêm cho tôi rất nhiều sức mạnh để vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được nhiều sự trợ giúp từ các vị lãnh đạo cấp cao ở Trung ương và nhiều ĐBQH “ lão làng” khác. Từ kinh nghiệm của bản thân, họ đã góp ý, giúp tôi điều chỉnh phương pháp hoạt động tốt hơn, thậm chí là góp ý cho tôi về câu từ, chất giọng trong phát biểu, biểu cảm trong tranh luận để thiện chí tốt đẹp của mình được tiếp nhận một cách thuận lợi.

Chính sự tin tưởng của cử tri, sự giúp đỡ, hỗ trợ đó khiến tôi có thêm tự tin và động lực. Tôi hiểu rằng: Phải kiên định đi hết con đường mình đã chọn.

Tôi cũng nhận thức rằng, ngoài hoạt động và nổ lực mang tính cá nhân, một đại biểu kiêm nhiệm cũng phải cần trang bị thêm cho mình hiểu biết và kỹ năng cần thiết để hỗ trợ, bảo vệ mình trong quá trình hoạt động Quốc hội. Đó là nắm vững cơ sở pháp lý, kỹ năng tương tác báo chí, truyền thông, đặc biệt là chuẩn bị bản lĩnh, tâm lý thật vững vàng để đón nhận phản hồi từ dư luận cũng như sóng gió có thể gặp của một đại biểu dân cử.

Bảo vệ ở đây xin đừng chỉ hiểu theo nghĩa là bảo vệ “quyền và lợi ích” riêng của ĐBQH. Với cá nhân tôi, điều quan trọng nhất mà ĐBQH gai góc cần xác định, đó chính là phải bảo vệ sự lựa chọn, tính cách và phẩm chất con người mình./.

Tỷ lệ ĐBQH trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm 14,3% trong cơ cấu ĐBQH khóa XIV (khóa XIII: 12,2%, dự kiến khóa XV: 5%). Thực tế hoạt động của Quốc hội khóa XIV đã chứng minh năng lực làm việc của ĐBQH trẻ với nhiều gương mặt và phát ngôn nổi bật.

Thi Uyên/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dbqh-pham-thi-minh-hien-nghi-truong-khong-phai-la-noi-danh-cho-nguoi-mem-yeu-850323.vov