ĐBQH Nguyễn Văn Thân chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 3 nội dung quan trọng

Chiều 08/11, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 3 vấn đề quan trọng liên quan đến việc Việt Nam tận dụng thời cơ đối với ASEAN; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và kinh tế ban đêm.

Là 1 trong 40 đại biểu đăng ký chất vấn Thủ tướng Chính phủ vào chiều 08/11, Đại biểu Nguyễn Văn Thân đã đặt 3 câu hỏi chất vấn với người đứng đầu Chính phủ. Liên quan đến việc năm 2020 Việt Nam sẽ là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN, ĐBQH đoàn Thái Bình đặt câu hỏi về những quyết sách của Thủ tướng Chính phủ để tận dụng cơ hội này đối với đất nước?

Với câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Việt Nam sẽ tận dụng năm ASEAN một cách tốt nhất, cùng với tinh thần là chúng ta ở nguyên trong Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021, ít có một nước nào mà trùng lặp 2 sự kiện quan trọng này trên đối ngoại của đất nước. Chúng ta cần tận dụng thời cơ này để đóng góp đưa đất nước có bước phát triển mới tốt hơn, vị thế của Việt Nam tốt hơn.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội chiều 08/11/2019.

Đối với năm ASEAN, trong các nước ASEAN, chúng ta không những tiếp tục thực hiện tốt 3 mục tiêu quan trọng mà còn phải giữ gìn đoàn kết nội khối, lấy ASEAN làm trung tâm để nâng cao vị thế Việt Nam. Đặc biệt, đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư trong nội khối, thông qua các FTA. Cùng các nước ASEAN đấu tranh giữ gìn hòa bình, thống nhất tiếng nói ASEAN để bảo vệ luật pháp quốc tế ở khu vực của chúng ta, trong đó có Biển Đông của Việt Nam".

Liên quan đến câu hỏi "thời gian tới Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung như thế nào đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện tốt một trong ba trọng tâm của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo?" của ĐBQH Nguyễn Văn Thân, Thủ tướng đề nghị: "Với các cấp, các ngành, chúng ta đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã có nghị định của Chính phủ về doanh nghiệp nhỏ và vừa, có Ban Chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo thực hiện chương trình hành động về Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa".

Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện về tín dụng, đặc biệt để đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các thành phần kinh tế giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI và các thành phần kinh tế khác để doanh nghiệp nhỏ và vừa, một thành phần rất quan trọng trong nền kinh tế, có thời cơ đóng góp, góp phần phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đã đặt câu hỏi về quan điểm của Thủ tướng đối với nền kinh tế ban đêm trong bối cảnh có nhiều ý kiến khác nhau.

"Kinh tế ban đêm là một sự năng động của kinh tế trong bối cảnh mới của quốc tế, thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Chúng ta biết rằng khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay ít nhất là 18 triệu lượt. Phần lớn là trái múi giờ. Khi chúng ta đi ngủ, khách du lịch bắt đầu đi chơi. Như vậy, chúng ta không có thời cơ để mà phục vụ, cung cấp những hiểu biết về văn hóa ẩm thực, khai thác các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh ở Việt Nam. Chính vì vậy, có thể thấy, kinh tế ban đêm tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động", Thủ tướng khẳng định.

Do đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển tốt kinh tế ban đêm để thực hiện câu trả lời Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về vấn đề cần làm gì để du khách đến đông hơn? Làm gì để du khách ở lâu hơn? Làm gì để du khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm gì để du khách kể về những trải nghiệm thú vị ở Việt Nam? Nhất là về ban đêm, làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể?

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kinh tế ban đêm cũng có mặt trái của nó. "Chính vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành có điều kiện phát triển kinh tế ban đêm, nhưng một số nước, nhất là khu vực châu Á cần phải chú trọng tốt công tác quản lý, không để tiêu cực có thể xảy ra. Tôi lấy ví dụ như ban đêm tôi vào thành phố Cần Thơ thì sầm uất lắm, còn một số thành phố của chúng ta đến 22 giờ không còn hoạt động gì về giải trí. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng một hướng kinh tế mới, kinh tế ban đêm tốt hơn và tổ chức đa dạng, phù hợp và quản lý tốt hơn để tránh những mặt tiêu cực có thể. Phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, Việt Nam cũng nên tận dụng thời cơ này", Thủ tướng nêu quan điểm.

Nguyệt Minh

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/dbqh-nguyen-van-than-chat-van-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-3-noi-dung-quan-trong/20191108062834439